Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 11/3 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI ở mốc 77,85 USD/thùng, giảm 1,17% (tương đương giảm 0,92 USD/thùng). Còn dầu Brent ở mốc 82,05 USD/thùng, giảm 1,06% (tương đương giảm 0,88 USD/thùng).
Các chuyên gia cho biết, cả dầu Brent và WTI đều giảm trong khoảng 0,3%. Tuần trước, giá dầu đã trải nghiệm một tuần giảm giá, đảo ngược đà tăng trước đó. Nhiều tuần qua, giá dầu liên tục đảo chiều, chịu tác động bởi các báo cáo kinh tế của Mỹ và Trung Quốc, sự chưa chắc chắn trong mốc giảm lãi suất của Fed, sự gia hạn cắt giảm sản lượng của OPEC+.
Ngay ở phiên giao dịch đầu tiên của tuần trước, giá dầu đã lao dốc, báo hiệu cho 1 tuần hạ nhiệt. Đúng như vậy, trong 5 phiên giao dịch, giá dầu giảm 3 phiên, tăng 1 phiên và gần như đi ngang 1 phiên.
Giá dầu trượt dốc một phần bởi những "cơn gió ngược" về nhu cầu cân bằng với việc OPEC+ gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng dầu/ngày sang quý II năm nay. Sự lao dốc của giá dầu còn bởi những dữ liệu kinh tế liên quan đến Trung Quốc và Mỹ.
Dù Trung Quốc vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay là khoảng 5%, nhưng việc thiếu các kế hoạch kích thích lớn để vực dậy nền kinh tế khiến các nhà đầu tư thất vọng.
Nhu cầu yếu từ Trung Quốc trong bối cảnh OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng tự nguyện đã đẩy giá dầu trượt sâu hơn.
Còn tại Mỹ, PMI dịch vụ của nước này trong tháng 2 đã giảm xuống 52,6. Hồi tháng 1, PMI dịch vụ đạt 53,4. Cũng trong tháng 2, theo Cục Thống kê lao động Mỹ, bảng lương phi nông nghiệp đã tăng thêm 275.000 việc làm, vượt kỳ vọng tăng 200.000 việc làm theo khảo sát của Reuters. Các dữ liệu trái chiều này khiến Fed khó có thể đưa ra chính xác thời điểm cắt giảm lãi suất, dù Ngân hàng Trung ương Mỹ dự kiến sẽ giảm lãi suất chuẩn vào cuối năm.
Trong tuần trước, phiên leo dốc của giá dầu được hỗ trợ bởi tồn kho dầu thô của Mỹ tăng ít hơn dự kiến, tồn kho xăng và các sản phẩm chưng cất giảm nhiều hơn dự kiến, và kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất trong năm nay.
Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ tăng 1,4 triệu thùng, tăng tuần thứ 6 liên tiếp; tồn kho xăng của Mỹ đã giảm 4,5 triệu thùng; tồn kho sản phẩm chưng cất giảm 4,1 triệu thùng.
Tuần này, thị trường sẽ dõi theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ để có cái nhìn rõ hơn về lạm phát ở xứ sở cờ hoa và những tác động có thể ảnh hưởng đến đồng USD.
Tuần trước, đồng USD đã xác lập tuần giảm mạnh và đồng hành với đồng USD là giá dầu. Sự cùng giảm này trái ngược với quy luật trái chiều giữa đồng USD và giá dầu, cho thấy các yếu tố khiến giá dầu trượt dốc lấn át sự hỗ trợ tăng đến từ sự suy giảm của đồng USD.