Các chuyên gia cho biết, xung đột tại Dải Gaza chưa có dấu hiệu hạ nhiệt làm dấy lên lo ngại về nguồn cung, hỗ trợ giá dầu kéo dài đà tăng của tuần trước sang phiên giao dịch đầu tiên của tuần này.
Tuần trước, giá dầu đã chính thức ghi nhận tuần tăng giá đầu tiên trong 5 tuần, chấm dứt chuỗi giảm kéo dài 4 tuần. Trong 5 phiên giao dịch, giá dầu giảm 1 phiên và tăng liên tục 4 phiên. Mặc dù tăng hơn 3,5% trong tuần nhưng dầu Brent vẫn chưa lấy lại được mốc 80 USD/thùng. Trong khi đó, dầu WTI tăng hơn 4% mức 76,84 USD/thùng.
Giá dầu đã tạo được cú lội ngược dòng bởi nhiều yếu tố, trong đó có tồn kho dầu của Mỹ tiếp tục giảm, nguy cơ xung đột gia tăng ở Trung Đông, chỉ số USD giảm.
Trong tuần trước, dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu của Mỹ giảm tuần thứ 6 liên tiếp (giảm 3,7 triệu thùng). Cơ quan này cũng ước tính lượng dầu tồn kho toàn cầu trong nửa đầu năm nay đã giảm khoảng 400.000 thùng/ngày và sẽ giảm khoảng 800.000 thùng/ngày trong nửa cuối năm.
Đáng chú ý là dữ liệu về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ giảm càng củng cố thêm khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9.
Cũng hỗ trợ giá dầu leo dốc là tuyên bố giảm dần sản lượng tại mỏ dầu Sharara của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Libya do các cuộc biểu tình. Giá dầu cũng tăng sau dữ liệu của Cục thống kê Quốc gia Trung Quốc chỉ ra rằng chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng 7 tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuần này, các dữ liệu kinh tế có thể tác động đến biến động giá dầu có thể kể đến chỉ số giá sản xuất (PPI), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của Mỹ, và đặc biệt là kết quả cuộc khảo sát của Đại học Michigan về chỉ số tâm lý người tiêu dùng Mỹ trong tháng 8.