Giá xăng dầu hôm nay 13/8: Đồng USD mạnh đẩy dầu thô lao dốc

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự sụt giảm mạnh của giá dầu hôm nay do đồng USD mạnh hơn, cũng như lo ngại suy thoái kinh tế khiến nhu cầu tiêu thụ trên thị trường yếu đi.

Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 13/8 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2022 đứng ở mức 91,27 USD/thùng, giảm 2,26 USD/thùng trong phiên. Còn giá dầu Brent giao tháng 10/2022 đứng ở mức 97,97 USD/thùng, giảm 1,63 USD/thùng trong phiên.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các chuyên gia cho rằng, do đồng USD mạnh hơn khi thị trường đặt cược vào khả năng Fed tăng 50 điểm phần trăm lãi suất vào cuộc họp chính sách tháng 9/2022, đẩy giá dầu ngày 13/8 giảm mạnh.

Đồng USD mạnh hơn còn do sự suy yếu của nhiều đồng tiền châu Á. Giá dầu hôm nay giảm mạnh còn do lo ngại nhu cầu toàn cầu yếu hơn trước lo ngại suy thoái kinh tế.

Trong báo cáo hàng tháng, OPEC đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 từ mức 3,5% xuống còn 3,1%. Cùng với việc hạ dự báo tăng trưởng kinh tế, OPEC cũng hạ dự báo nhu cầu dầu năm 2022 vào khoảng 3,1 triệu thùng/ngày, giảm 260.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó.

OPEC cho biết cơ sở để đưa ra dự báo trên là do tác động kinh tế của căng thẳng Nga - Ukraine, lạm phát cao và nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh Covid-19.

Trong khi nhu cầu được dự báo yếu hơn thì nguồn cung dầu tiếp tục được cải thiện. Mỹ và một số nước đồng minh dự kiến triển khai kế hoạch giải phóng kho dự trữ năng lượng.

Việc nhiều nước EU có động thái “nới lỏng” các biện pháp cấm vận với dầu thô Nga nhằm giảm thiểu tác động rủi ro về kinh tế, tránh nguy cơ về một cuộc khủng hoảng năng lượng cũng khiến giá dầu thô giảm mạnh.

Ngoài ra, hoạt động khai thác dầu ngoài khơi Vịnh Mexico có thể được nối lại ngay trong ngày 13/8 khi đường ống hư hỏng đã được thay thế.

Trước đó, Sell - nhà sản xuất dầu hàng đầu tại Vịnh Mexico - cho biết đã tạm dừng khai thác tại 3 giàn khoan Mars, Ursa và Olympus, có thể khai thác tổng cộng 410.000 thùng dầu thô chua Mars mỗi ngày, sau sự cố rò rỉ làm đóng cửa đường ống Mars và Amberjack nối với các giàn khoan này.

IEA cũng đã nâng triển vọng nguồn cung dầu thô từ Nga thêm 500.000 thùng/ngày cho những tháng còn lại của năm 2022.

Bên cạnh đó, các biện pháp trừng phạt của châu Âu đối với dầu của Nga sẽ được thắt chặt vào cuối năm nay. Cùng thời điểm, Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác sẽ cùng “xả” kho dự trữ dầu chiến lược trong vòng 6 tháng.