Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 14/5 (giờ Việt Nam), giá dầu WTI của Mỹ tăng 86 cent, tương đương 1,1%, lên mức 79,12 USD/thùng. Còn Brent tăng 57 cent, tương đương 0,7%, lên mức 83,36 USD/thùng.
Các chuyên gia cho biết, kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu tăng chưa đến 1 USD, được hỗ trợ bởi các dấu hiệu cho thấy nhu cầu cải thiện ở hai nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc.
Kỳ vọng về nhu cầu xăng mạnh ở Mỹ đã thúc đẩy một phần giá. Tập đoàn lái xe AAA dự báo khoảng 43,8 triệu người Mỹ sẽ đi du lịch trong kỳ nghỉ lễ Ngày Tưởng niệm bắt đầu từ ngày 23 - 27/5 – mức cao nhất trong gần 2 thập kỷ. AAA kỳ vọng số chuyến đi đường bộ sẽ lập mức kỷ lục kể từ năm 2000.
Theo một cuộc thăm dò sơ bộ của các nhà phân tích của Reuters, tồn kho dầu của Mỹ trong tuần trước có thể giảm, điều này đồng nghĩa với nhu cầu đang cải thiện.
Dữ liệu của Trung Quốc cuối tuần qua cho thấy trong tháng 4, giá tiêu dùng tăng tháng thứ 3 liên tiếp trong khi giá sản xuất tiếp tục giảm, báo hiệu nhu cầu trong nước được cải thiện. Bắc Kinh cũng có kế hoạch huy động 1.000 tỷ Nhân dân tệ (138,26 tỷ USD) để kích thích kinh tế.
Về phía cung, các nhà đầu tư đang theo dõi khả năng gián đoạn nguồn cung dầu ở miền Tây Canada do “thảm họa” cháy rừng.
Sự đảo chiều tăng tốc của giá dầu so với sự trượt dốc ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước còn bởi kỳ vọng OPEC+ sẽ gia hạn cắt giảm nguồn cung sang nửa cuối năm.
Các thương nhân cho biết sẽ thận trọng hơn với tình hình Trung Đông do hy vọng về một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza đã tan thành mây khói.
Theo nhà phân tích Alex Hodes của Công ty môi giới năng lượng StoneX, các nhà đầu tư sẽ theo dõi dữ liệu Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ, dự kiến công bố vào ngày mai (15/5) để tìm manh mối thời điểm Fed sẽ giảm lãi suất.
Các nhà phân tích kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách lâu hơn, hỗ trợ đồng USD, khiến dầu tính bằng đồng bạc xanh trở nên đắt hơn đối với người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.