Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá xăng dầu hôm nay 15/2: Thế giới duy trì giảm

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tồn kho dầu thô của Mỹ tăng cao, mối đe dọa an ninh có thể làm giảm nhu cầu, giá xăng dầu thế giới duy trì đà lao dốc.

Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 15/2 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI của Mỹ giảm 1,23 USD, tương đương 1,6%, xuống mức 76,64 USD/thùng. Còn Brent kỳ hạn tháng 3 giảm 1,17 USD, tương đương 1,4%, xuống mức 81,6 USD/thùng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các chuyên gia nhận định, giá dầu Brent và WTI tiếp tục giảm nhẹ. Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/2, giá dầu trượt dốc hơn 1 USD do tồn kho dầu thô của Mỹ tăng cao và mối đe dọa an ninh có thể xảy ra đối với Mỹ có thể làm giảm nhu cầu dầu ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, tồn kho dầu thô của Mỹ đã tăng mạnh tới 12 triệu thùng lên 439,5 triệu thùng trong tuần trước, vượt xa kỳ vọng của các nhà phân tích là tăng 2,6 triệu thùng khi hoạt động lọc dầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2022.

Hoạt động lọc dầu thô trong tuần trước đã giảm 298.000 thùng/ngày xuống 14,5 triệu thùng/ngày và tỷ lệ sử dụng nhà máy lọc dầu giảm 1,8 điểm phần trăm xuống 80,6% tổng công suất. Cả hoạt động lọc dầu và tỷ lệ sử dụng nhà máy lọc dầu đều ghi nhận mức thấp nhất kể từ cơn bão mùa đông Elliott tương tự khiến nhiều nhà máy lọc dầu ngừng hoạt động hồi tháng 12/2022.

Trong khi đó, Chủ tịch tình báo Quốc hội Mỹ lên tiếng cảnh báo về “mối đe dọa an ninh quốc gia nghiêm trọng” mà không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Điều này khiến một số nhà đầu tư dầu mỏ lo sợ.

Đối tác tại Again Capital có trụ sở tại New York John Kilduff nhận xét, nguy cơ xảy ra chiến tranh hay khủng bố bên ngoài khu vực sản xuất dầu đều sẽ khiến giá dầu giảm do nhu cầu dự kiến sẽ bị ảnh hưởng. Giá đã nhận được một số hỗ trợ từ báo cáo hằng tháng của OPEC đưa ra ngày 13/2 cho biết nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày trong năm nay và 1,85 triệu thùng/ngày năm 2025.

Cũng ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ là các yếu tố địa chính trị, bao gồm xung đột ở Trung Đông và Nga – Ukraine, cùng quan điểm ngày càng được củng cố rằng việc cắt giảm lãi suất của Mỹ sẽ bắt đầu muộn hơn. Nhà phân tích Tamas Varga của PVM cho biết các sự kiện hiện tại xung quanh Israel và Gaza, cùng với xung đột Ukraine - Nga đè nặng lên tâm lý hơn là dữ liệu lạm phát của Mỹ.