Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 15/3 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI giao tháng 4 tăng 1,54 USD, tương đương 1,9%, lên mức 81,26 USD/thùng - mức cao nhất kể từ đầu tháng 11/2023. Còn dầu Brent giao tháng 5 tăng 1,39 USD, tương đương 1,7%, lên mức 85,42 USD/thùng - mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 6/11/2023.
Các chuyên gia cho biết, kết thúc phiên giao dịch ngày 14/3, giá dầu tiếp tục tăng gần 2% lên mức cao nhất trong vòng 4 tháng do Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự đoán thị trường sẽ thắt chặt hơn và nâng mức tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm nay.
Theo Reuters, giá dầu đã kéo dài đà tăng sau khi IEA nâng mức tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2024 lần thứ 4 kể từ tháng 11-2023 trong bối cảnh các cuộc tấn công của lực lượng Houthi làm gián đoạn hoạt động vận chuyển trên Biển Đỏ. IEA cũng cảnh báo rằng “suy thoái kinh tế toàn cầu đóng vai trò là một trở ngại bổ sung cho việc sử dụng dầu”.
IEA dự báo nhu cầu sẽ tăng 1,3 triệu thùng/ngày trong năm, tăng 110.000 thùng/ngày so với dự báo trong tháng trước, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng trưởng 2,3 triệu thùng/ngày hồi năm ngoái.
Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch tại BOK Financial Dennis Kissler cho biết, nhu cầu vẫn ở mức cao, trong khi nguồn cung ngày càng thắt chặt, đặc biệt là về mặt nhiên liệu. Lợi nhuận lọc dầu cũng rất mạnh là tín hiệu tích cực đối với nhu cầu dầu thô.
Trong khi đó, ngày 13/3, Ukraine vẫn tiếp tục tấn công các cơ sở lọc dầu lớn của Nga bằng máy bay không người lái.
Bộ năng lượng Nga cho biết, xuất khẩu nhiên liệu đường biển của Nga trong tháng 2 đã giảm 1,5% so với tháng trước do nhà máy lọc dầu bị buộc ngừng hoạt động vì bị tấn công và hỏa hoạn. "Thiệt hại đối với các nhà máy lọc dầu có thể khiến sản lượng xăng của Nga giảm hơn 10%" - vị này nói.
Tại Mỹ, tồn kho dầu thô bất ngờ giảm, cắt đứt chuỗi tăng kéo dài 6 tuần. Tồn kho xăng và các sản phẩm chưng cất cũng giảm.
Các nhà giao dịch nhận thấy, 63,5% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 6, giảm từ mức 67% trước khi có dữ liệu PCI. Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí vay tiêu dùng và có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu về dầu.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ ngày 14/3 dự báo tăng trưởng ngắn hạn trong sản xuất dầu và chất lỏng toàn cầu sẽ chủ yếu được thúc đẩy bởi Mỹ, Guyana, Canada và Brazil, bù đắp cho việc cắt giảm sản lượng tự nguyện tới 2,2 triệu thùng/ngày của OPEC+.