Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 15/4 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2023 tăng 36 cent, tương đương 0,4%, lên mức 82,52 USD/thùng. Còn dầu Brent giao tháng 6 tăng 22 cent, tương đương 0,3%, lên mức 86,31 USD/thùng.
Các chuyên gia cho rằng, giá dầu tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 14/4 sau khi cơ quan giám sát năng lượng của phương Tây cho biết, nhu cầu toàn cầu sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm nay do tiêu dùng của Trung Quốc phục hồi.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cũng cảnh báo việc cắt giảm sản lượng sâu theo công bố của OPEC+, có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt nguồn cung dầu và gây tổn hại cho người tiêu dùng.
Trong bối cảnh lo ngại về cuộc khủng hoảng ngân hàng xảy ra vào tháng trước hạ nhiệt, và quyết định bất ngờ vào tuần trước của OPEC+ về việc tiếp tục cắt giảm sản lượng, khiến cả hai mặt hàng dầu tiêu chuẩn liên tiếp tăng giá.
Ngày 14/4, trong báo cáo hằng tháng của mình, IEA cho biết nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 2 triệu thùng/ngày trong năm 2023 lên mức kỷ lục 101,9 triệu thùng/ngày, chủ yếu do mức tiêu thụ mạnh hơn từ Trung Quốc sau khi quốc gia Đông Á gỡ bỏ các hạn chế dịch Covid-19.
Trước đó, OPEC ngày 13/4 cảnh báo về nhu cầu dầu giảm trong mùa hè để lý giải cho quyết định cắt giảm sản lượng thêm 1,16 triệu thùng/ngày của OPEC+. IEA cho biết quyết định của OPEC+ có thể gây tổn hại cho người tiêu dùng và sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Theo IEA, người tiêu dùng phải đối mặt với tình trạng tăng giá đối với các nhu yếu phẩm cơ bản sẽ phải phân bổ ngân sách của họ và điều này là dấu hiệu xấu cho sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế. IEA dự kiến nguồn cung dầu toàn cầu sẽ giảm 400.000 thùng/ngày vào cuối năm nay.
Cũng hỗ trợ giá leo dốc là sự giảm ở tuần thứ ba liên tiếp số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ, một chỉ báo về nguồn cung trong tương lai. Dữ liệu của Baker Hughes cho thấy, số giàn khoan dầu của Mỹ đã giảm 2 giàn xuống 588 giàn trong tuần này, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2022, trong khi số giàn khoan khí đốt giảm 1 giàn xuống 157 giàn.