Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 15/5 (giờ Việt Nam), giá dầu WTI của Mỹ giảm 1,1 USD, tương đương 1,39%, xuống mức 78,02 USD/thùng. Còn Brent giảm 98 cent, tương đương 1,18%, xuống mức 82,38 USD/thùng.
Các chuyên gia cho biết, kết thúc phiên giao dịch ngày 14/5, giá dầu giảm hơn 1% sau khi dữ liệu của Mỹ làm dấy lên lo ngại rằng lãi suất có thể vẫn ở mức cao, nhưng rủi ro tiềm ẩn đối với nguồn cung từ căng thẳng ở Trung Đông và cháy rừng ở Canada hạn chế đà giảm.
Reuters đưa tin, trong tháng 4, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ tăng 0,5%, cao hơn so với dự kiến là 0,3%. Điều này làm dấy lên lo ngại Fed có thể tiếp tục tăng chi phí vay để kiềm chế lạm phát.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, kỳ vọng lạm phát của Mỹ sẽ tiếp tục giảm trong năm nay nhưng cảnh báo rằng ông hiện không mấy tự tin vì giá cả tăng nhanh hơn dự kiến trong quý đầu tiên của năm.
Hôm nay sẽ có dữ liệu về chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ. Dữ liệu này sẽ hé mở thời điểm Fed cắt giảm lãi suất.
Trong khi đó, ngày 14/5, OPEC giữ nguyên dự báo về mức tăng trưởng nhu cầu thế giới tăng 2,25 triệu thùng/ngày năm nay và tăng 1,85 triệu thùng/ngày năm 2025 và cho biết có khả năng nền kinh tế thế giới có thể hoạt động tốt hơn dự kiến trong năm nay.
Thị trường năng lượng cũng đang theo dõi các vụ cháy rừng ở miền Tây Canada vì giá dầu có thể tăng do gián đoạn nguồn cung dầu. Canada có công suất sản xuất 3,3 triệu thùng/ngày.
Liên quan đến diễn biến xung đột ở Trung Đông, xe tăng của Israel đã tiến sâu hơn vào phía Đông Rafah, tiến tới một số khu dân cư của thành phố nằm phía Nam Gaza, nơi có hơn một triệu người đang trú ẩn.
Theo nhà phân tích Phil Flynn tại Price Futures Group, sự không chắc chắn về Rafah và tác động tiêu cực từ điều đó cũng đang khiến thị trường đứng trước nguy cơ bất ổn.
Về tồn kho xăng dầu của Mỹ, theo Viện Dầu khí Mỹ, trong tuần kết thúc vào ngày 10/5, tồn kho dầu thô đã giảm 3,104 triệu thùng; tồn kho xăng giảm 1,269 triệu thùng và tồn kho sản phẩm chưng cất tăng 673.000 thùng.