Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 14/6 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9/2023 tăng 2,35 USD, tương đương 3,4%, lên mức 70,62 USD/thùng.
Còn dầu Brent giao tháng 9/2023 tăng 2,47 USD, tương đương 3,4%, lên mức 75,67 USD/thùng.
Nhận định của các chuyên gia, kết thúc phiên giao dịch ngày 15/6, giá dầu bất ngờ tăng mạnh khoảng 3%, mức cao nhất trong một tuần. Đây là mức đóng cửa cao nhất của Brent và WTI kể từ ngày 8/6. Sự tăng tốc đột ngột này của giá dầu là do đồng USD giảm và hoạt động lọc dầu tăng vọt tại Trung Quốc.
Thị trường dầu được hỗ trợ từ các báo cáo của Mỹ cho thấy doanh số bán lẻ ở nước này trong tháng 5 bất ngờ tăng 0,3%, ngược với dự báo giảm 0,1% của nhiều nhà kinh tế.
Bên cạnh đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp vào tuần trước duy trì ở mức 262.000, cao hơn dự báo. Những số liệu này đã đẩy đồng USD xuống mức thấp nhất trong 5 tuần. Cũng trong ngày 15/6, dữ liệu từ Trung Quốc cho thấy sản lượng lọc dầu của quốc gia Đông Á trong tháng 5 đã tăng 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Giám đốc điều hành của Kuwait Petroleum Corp, nhu cầu dầu của Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục tăng với tốc độ ổn định trong nửa cuối năm nay.
Lý giải về sự leo dốc bất ngờ của giá dầu, Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group, cho biết đó là do những số liệu liên quan đến nhà máy lọc dầu của Trung Quốc, sự giảm giá của đồng USD sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tạm dừng tăng lãi suất trong khi lãi suất vẫn tăng ở châu Âu.
Đúng như dự kiến, ngày 15/6, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên mức 3,5% - mức cao nhất trong 22 năm. Đây là mức tăng lãi suất lần thứ 8 của ECB kể từ tháng 7/2022 nhằm ứng phó với lạm phát cao kéo dài.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết: “Triển vọng tăng trưởng kinh tế và lạm phát vẫn còn nhiều bất ổn”. Với bình luận này của chủ tịch ECB, nhiều khả năng ngân hàng này sẽ duy trì đà tăng lãi suất của mình. Trước quyết định của ECB ngày 15-6, các thị trường đã định giá một đợt tăng lãi suất 25 điểm cơ bản khác của ECB vào tháng 7 hoặc tháng 9.
Trước đó, ngày 14/6, Fed đã giữ nguyên lãi suất nhưng báo hiệu mức tăng ít nhất một nửa điểm phần trăm vào cuối năm. Lãi suất cao hơn sẽ làm tăng chi phí vay cho người tiêu dùng, điều này có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu mỏ.
Về phía cung, các nhà phân tích kỳ vọng việc cắt giảm sản lượng dầu thô tự nguyện được thực hiện từ tháng 5 bởi OPEC+ và bởi Saudi Arabia vào tháng 7 sẽ hỗ trợ giá tại thời điểm nhu cầu mạnh. UBS dự kiến nguồn cung thâm hụt khoảng 1,5 triệu thùng/ngày trong tháng 6 và hơn 2 triệu thùng/ngày trong tháng 7. Ngân hàng này dự đoán giá dầu sẽ có xu hướng tăng.