Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá xăng dầu hôm nay 18/2: Tuần tăng thứ hai liên tiếp

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông và Đông Âu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, giá xăng dầu ghi nhận tuần tăng thứ 2 liên tiếp.

Các chuyên gia cho biết, với 3 phiên tăng, 1 phiên giảm và 1 phiên trái chiều, giá dầu tuần này đã ghi nhận tuần tăng thứ 2 liên tiếp với dầu Brent tăng hơn 1%, dầu WTI tăng khoảng 3%. Tuần trước, giá dầu tăng gần 6%.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Giá dầu gần như đi ngang ở phiên giao dịch đầu tiên của tuần. Dầu Brent giảm 19 cent, dầu WTI tăng 8 cent do thị trường lo ngại về tình hình lãi suất ở Mỹ và biến động nhu cầu dầu trên toàn cầu khi đang “hóng” các dữ liệu từ Mỹ, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và OPEC.

Căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông và Đông Âu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt đã đẩy giá dầu leo dốc gần 1 USD ở phiên giao dịch thứ 2 của tuần. Một lệnh ngừng bắn hay thỏa thuận hòa bình ở Ukraine vẫn chưa đạt được.

Trong khi đó, các cuộc đàm phán giữa các nhà trung gian Mỹ, Ai Cập, Israel và Qatar về thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza đã kết thúc mà không có bất kỳ đột phá nào. Trên Biển Đỏ, lực lượng Houthi duy trì tấn công các tàu có quan hệ thương mại với Mỹ, Anh và Israel.

Giá dầu đã lao dốc hơn 1 USD ở phiên giao dịch tiếp theo sau báo cáo tồn kho dầu thô của Mỹ tăng vọt và mối đe dọa an ninh có thể xảy ra tại Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới khiến nhu cầu sẽ giảm. 12 triệu thùng là con số tồn kho dầu của Mỹ trong tuần trước, gấp gần 5 lần so với kỳ vọng chỉ tăng 2,6 triệu thùng của các nhà phân tích.

Giá dầu đã tăng liên tiếp ở 2 phiên giao dịch cuối cùng của tuần sau dữ liệu bán lẻ của Mỹ thúc đẩy việc bán tháo đồng USD và căng thẳng gia tăng tại Trung Đông. Theo Cục điều tra dân số, Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ tại Mỹ đã giảm 0,8% trong tháng 1. Dữ liệu tháng 12 đã được điều chỉnh thấp hơn, theo đó, doanh số bán hàng tăng 0,4% thay vì 0,6%. Dữ liệu càng củng cố quan điểm Fed sẽ sớm cắt giảm lãi suất.

Diễn biến ở Trung Đông cho thấy, căng thẳng địa chính trị ở khu vực này khó có thể hạ nhiệt. Các cuộc trao đổi tên lửa xuyên biên giới giữa Israel và Lebanon gia tăng trong tuần. Hezbollah phóng tên lửa vào miền Bắc Israel. Để đáp trả, Israel bắn tên lửa vào miền Nam Lebanon.

Mặc dù theo nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS, dầu vẫn chảy và gián đoạn nguồn cung khá khiêm tốn nhưng không thể phủ nhận giá dầu vẫn chịu tác động bởi căng thẳng ở Trung Đông. Cũng trong tuần, các báo cáo từ Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 1 đã tăng 0,3%, cao hơn so với chỉ số 0,2% hồi tháng 12/2023. Chỉ số giá sản xuất (PPI) trong tháng 1 tăng 0,3%, cao hơn dự kiến trong bối cảnh chi phí dịch vụ tăng mạnh.

Về dự báo nhu cầu dầu toàn cầu, OPEC cho biết nhu cầu dầu sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày trong năm nay và 1,85 triệu thùng/ngày năm 2025. Còn IEA cho biết tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ giảm xuống còn 1,22 triệu thùng/ngày, bằng khoảng một nửa mức tăng trưởng của năm ngoái, và thấp hơn so với dự báo trước đó là 1,24 triệu thùng/ngày.