Các chuyên gia cho biết, giá dầu Brent và WTI cùng trượt nhẹ xấp xỉ 0,5%. Tuần trước, giá dầu đã kết thúc tuần trái chiều. Dầu Brent duy trì đà tăng của tuần trước đó nhưng mức tăng rất khiêm tốn, chỉ 2 cent. Còn WTI quay đầu giảm nhẹ 19 cent.
Tính cả tuần, mặc dù hai mặt hàng dầu tiêu chuẩn chỉ biến động nhẹ, nhưng tính theo từng phiên giao dịch, cả dầu Brent và WTI đều biến động mạnh. Trong 5 phiên giao dịch, giá dầu tăng 2 phiên, giảm 3 phiên, chịu tác động mạnh bởi diễn biến xung đột ở Trung Đông và nguồn cầu từ 2 đầu tàu kinh tế Mỹ và Trung Quốc.
Giá dầu đã tăng mạnh gần 5% ở phiên giao dịch thứ nhất và thứ 4 của tuần. Mức giảm ở 3 phiên giao dịch còn lại cũng dao động từ 1% đến 3%.
Mặc dù Iran và Hezbollah đã thề sẽ trả đũa Israel sau vụ ám sát thủ lĩnh Hamas và chỉ huy quân sự Hezbollah hồi cuối tháng trước nhưng sự “án binh bất động” của Iran khiến thị trường sớm loại bỏ khoản phí bảo hiểm rủi ro ra khỏi giá dầu thô.
Cũng trong tuần trước, dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy, tồn kho dầu của Mỹ bất ngờ tăng 1,4 triệu thùng trong 6 tuần. Ngoài ra, trong tháng 7, chỉ số giá tiêu dùng (PCI) của Mỹ tăng ở mức vừa phải và tốc độ tăng lạm phát hằng năm chậm lại xuống dưới 3% lần đầu tiên kể từ đầu năm 2021. Điều này củng cố kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng tới. Các nhà phân tích cũng đang kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản, thậm chí 50 điểm cơ bản trong tháng 9.
Với lý do nhu cầu yếu ở Trung Quốc, Cơ quan Năng lượng quốc tế đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trong năm nay xuống còn 970.000 thùng/ngày và năm sau là 950.000 thùng/ngày. Với cùng lý do trên, OPEC cũng đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trong năm xuống còn 2,11 triệu thùng/ngày (dự báo hồi tháng trước là 2,25 triệu thùng/ngày).
Tuần này, các hoạt động kinh tế và diễn biến tình hình ở Trung Đông sẽ tiếp tục là những yếu tố chính tác động đến giá dầu, trong đó có thể kể đến Hội nghị Jackson Hole ngày 23-8 với bài phát biểu của Chủ tịch Fed Powell.