Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 19/9 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2022 đứng ở mức 85,23 USD/thùng, tăng 0,47 USD/thùng trong phiên. Còn giá dầu Brent giao tháng 11/2022 đứng ở mức 91,94 USD/thùng, tăng 0,59 USD/thùng trong phiên.
Giới phân tích nhận định, kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc phục hồi sau loạt dữ liệu kinh tế tích cực được công bố, giúp giá dầu ngày 19/9 duy trì đà tăng mạnh.
Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia (NBS), sản lượng công nghiệp đã tăng 4,2% trong tháng 8, tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 3/2022 và vượt dự báo tăng 3,8%.
Doanh số bán lẻ tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng nhanh nhất trong 6 tháng và cũng vượt dự báo tăng 3,5% của các nhà phân tích và mức tăng 2,7% trong tháng 7.
Thị trường cũng đặt kỳ vọng nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ phục hồi mạnh mẽ, khi dịch bệnh được kiểm soát và các biện pháp phòng chống dịch được nới lỏng.
Giá dầu hôm nay tăng còn do đồng USD suy yếu và lo ngại nguồn cung dầu thắt chặt hơn, khi các lệnh cấm vận dầu thô Nga có hiệu lực vào đầu tháng 12 tới.
Tuy nhiên, đà tăng của dầu thô vẫn bị kiềm chế bởi lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu, đặc biệt là ở khu vực châu Âu khi nguy cơ về một cuộc khủng hoảng năng lượng ngày một lớn và lạm phát ở khu vực được ghi nhận mức cao kỷ lục 10,1%.
Thứ nữa, làn sóng tăng lãi suất đang được các ngân hàng trung ương đưa ra nhằm kiềm chế lạm phát cũng tạo áp lực không nhỏ đối với triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu.
Trong diễn biến mới nhất, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dầu khí Kuwait (KPC) Sheikh Nawaf Saud al-Sabah thông báo, quốc gia vùng Vịnh đang sản xuất hơn 2,8 triệu thùng dầu mỗi ngày theo hạn ngạch của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Điều này nếu được thực hiện sẽ tạo thêm áp lực đối không nhỏ với dầu thô.