Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá xăng dầu hôm nay 2/12: Rời xa mốc 80 USD/thùng

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường luôn cảnh giác với đợt cắt giảm sản lượng mới nhất của OPEC+ và hoạt động sản xuất trên thế giới trì trệ, giá xăng dầu duy trì đà “lao dốc”.

Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 2/12 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI của Mỹ đóng cửa ở mức 74,07 USD/thùng, giảm 1,89 USD, tương đương 2,49%. Còn dầu Brent kỳ hạn 2 giảm 1,98 USD, tương đương 2,45%, xuống mức 78,88 USD/thùng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các chuyên gia cho biết, kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần biến động mạnh, giá dầu giảm hơn 2% do thị trường luôn cảnh giác với đợt cắt giảm sản lượng mới nhất của OPEC+ và hoạt động sản xuất trên thế giới trì trệ.

Tính cả tuần, giá dầu Brent giảm khoảng 2,1% và dầu WTI giảm hơn 1,9%. Tại cuộc họp ngày 30/11, các nhà sản xuất OPEC+ đã đồng ý cắt khoảng 2,2 triệu thùng dầu/ngày khỏi thị trường toàn cầu trong quý đầu tiên của năm tới.

Lượng dầu cắt giảm này bao gồm số dầu cắt giảm tự nguyện 1,3 triệu thùng/ngày của Saudi Arabia và Nga. Nhà phân tích Craig Erlam của OANDA cho biết, các nhà giao dịch tiếp nhận thông tin trên với thái độ hoài nghi liệu các thành viên của OPEC+ sẽ tuân thủ quyết định này hay sản lượng cắt giảm như thế đã đủ? OPEC+ cung ứng hơn 40% sản lượng dầu của thế giới.

Nhóm này đang tập trung vào việc giảm sản lượng khi giá dầu giảm từ khoảng 98 USD/thùng vào cuối tháng 9 trong bối cảnh lo ngại về tăng trưởng kinh tế yếu hơn vào năm 2024. Theo nhà phân tích John Evans của PVM, việc cắt giảm “sẽ không ngăn được đám mây nhầm lẫn mà thị trường dầu mỏ sẽ phải mất hàng tuần, hàng tháng để tìm hiểu”.

Trong khi đó, ngày 1-12, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ điều chỉnh lãi suất một cách “thận trọng”, đồng thời nhấn mạnh vẫn còn quá sớm để tuyên bố cuộc chiến chống lạm phát của Fed đã kết thúc.

Theo một cuộc khảo sát, trong tháng 11 ngành sản xuất của Mỹ vẫn trầm lắng và việc làm tại nhà máy giảm. Các cuộc khảo sát cho thấy các nhà đầu tư đang theo dõi thận trọng hoạt động sản xuất toàn cầu, vốn vẫn yếu trong tháng 11 do nhu cầu kém.

Ngoài ra, các cuộc đàm phán nhằm gia hạn lệnh ngừng bắn kéo dài một tuần giữa Israel và Hamas đã không có kết quả như mong đợi. Điều này đồng nghĩa với việc xung đột ở Gaza tái diễn và có thể dẫn đến sự gián đoạn nguồn cung dầu toàn cầu.

Về phía cung, ngày 1/12, Mỹ đã áp các lệnh trừng phạt bổ sung liên quan đến trần giá dầu của Nga đối với 3 thực thể và 3 tàu chở dầu. Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu của Mỹ đã tăng 5 giàn lên 505 giàn trong tuần này, mức cao nhất kể từ tháng 9.