Chốt tuần giao dịch, giá dầu Brent ở mức 79,89 USD/thùng, tiến sát mốc 80 USD/thùng. Còn dầu WTI của Mỹ dừng ở mức 75,67 USD/thùng, tăng mạnh so với mức giảm dưới 70 USD/thùng hồi tuần trước.
Các chuyên gia nhận định, sự suy giảm trong nguồn cung, sự giảm trong dự trữ xăng dầu của Mỹ, và dữ liệu lạm phát của Mỹ thấp hơn dự kiến khiến giá dầu tuần này leo dốc.
Ngay phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu đã tăng mạnh trong khoảng 4% - 5% do một số hoạt động xuất khẩu từ khu vực bán tự trị của người Kurk ở Iraq bị đình trệ làm gia tăng lo ngại về nguồn cung dầu. Ngoài ra, Ngân hàng First Citizens (FCB) cũng đạt được thỏa thuận mua lại tất cả các khoản tiền gửi và khoản vay của Ngân hàng Silicon Valley giúp khép lại một chương trong cuộc khủng hoảng của ngành ngân hàng khiến giá dầu tăng.
Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 27/3 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6/2023 đứng ở mức 69,72 USD/thùng, tăng 0,31 USD trong phiên.
Giá dầu Brent giao tháng 6/2023 đứng ở mức 75,05 USD/thùng, tăng 0,46 USD trong phiên.
Trong phiên thứ hai, giá dầu chỉ tăng nhẹ chưa đến 1% trước khi quay đầu giảm tốc, trượt dốc chưa đến 40 cent ở phiên giao dịch thứ ba. Các nhà đầu tư đang có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận sau hai ngày giá leo dốc và khi thị trường tranh luận về tình trạng khan hiếm nguồn cung.
Tuy nhiên, giá dầu đã nhanh chóng lấy lại được đà leo dốc. Trong hai phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu đã tăng hơn 2% bởi các dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc và dữ liệu lạm phát của Mỹ.
Trang Investing đưa tin, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi của Mỹ chỉ tăng 0,3% trong tháng 2, thấp hơn mức 0,4% dự kiến, trong khi con số hàng năm là 4,6%, thấp hơn mức dự đoán 4,7%.
Mặc dù chỉ số này cho thấy lạm phát ở Mỹ giảm cực nhẹ, nhưng cũng tiếp thêm động lực để Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất của mình trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 5.
Cùng với mức lạm phát giảm ở Mỹ, dấu hiệu tích cực từ nhu cầu phục hồi tại Trung Quốc sau khi kết thúc các đợt phong tỏa nghiêm ngặt kiềm chế sự lây lan của Covid-19 đã hỗ trợ giá dầu tăng.
Jeff Currie, người đứng đầu bộ phận hàng hóa toàn cầu của Goldman Sachs, cho biết chưa bao giờ thấy thị trường bán tháo mạnh nhưng vẫn giữ được cấu trúc tăng giá như hiện nay.
Trong tuần, Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) báo cáo dự trữ dầu thô của Mỹ giảm tới 7,5 triệu thùng xuống mức thấp nhất trong hai năm; dự trữ xăng giảm 2,9 triệu thùng.
Mặc dù giá dầu tuần này tăng vọt, nhưng cả dầu Brent và WTI đều ghi nhận mức giảm hằng tháng lần lượt là 5% và 2%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2022.
Giá dầu Brent giảm quý thứ ba liên tiếp, lần đầu tiên điều này xảy ra kể từ năm 2015. Sự chú ý trong tuần tới sẽ là cuộc họp của ủy ban giám sát của OPEC+. Ủy ban này có quyền khuyến nghị thay đổi sản lượng cho nhóm.
Tuy nhiên, nhiều khả năng ủy ban sẽ không đồng ý với việc cắt giảm sản lượng khác vượt quá 2 triệu thùng/ngày mà nó đã công bố vào tháng 11-2022.
Khảo sát của Reuters cho thấy, OPEC đã bơm 28,9 triệu thùng/ngày trong tháng 3, giảm 70.000 thùng/ngày so với tháng 2 và giảm hơn 700.000 thùng/ngày so với tháng 9 năm ngoái.