Các chuyên gia cho biết, giá dầu Brent và WTI đã quay đầu tăng nhẹ. Trước đó, kết thúc phiên giao dịch ngày 1/8, giá dầu giảm hơn 1 USD do nguồn cung toàn cầu dường như không bị ảnh hưởng nhiều bởi lo ngại xung đột lan rộng ở Trung Đông sau cái chết của lãnh đạo chính trị của Hamas ở Iran và khi các nhà đầu tư hướng sự tập trung vào mối lo ngại về nhu cầu.
Giá dầu Brent giảm 1,32 USD, tương đương 1,6%, xuống mức 79,52 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 1,6 USD, tương đương 2,1%, xuống mức 76,31 USD/thùng.
Trong phiên trước, cả dầu Brent và WTI cùng tăng khoảng 4% do lo ngại về một cuộc xung đột rộng hơn ở Trung Đông sau vụ ám sát thủ lĩnh chính trị Ismail Haniyeh của Hamas ở thủ đô Tehran, Iran ngay sau khi chỉ huy quân sự cấp cao nhất của Hezbollah ở Beirut, Lebanon vừa thiệt mạng.
Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch tại BOK Financial Dennis Kissler nhận xét, ngày càng có nhiều người nhận ra chưa có bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung thực sự nào. Thị trường đang chuyển hướng tập trung từ các vấn đề địa chính trị sang xem xét nhu cầu dầu thô toàn cầu.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ bất kỳ sự gián đoạn nào, đặc biệt là các tuyến đường vận chuyển dầu. Lực lượng Houthi liên kết với Iran đã tấn công các tàu đi qua Biển Đỏ, buộc các tàu chở dầu phải chọn các tuyến đường thay thế dài hơn.
Trong khi đó, cuộc họp của các bộ trưởng hàng đầu của OPEC+ đã kết thúc với chính sách sản lượng dầu được giữ nguyên, bao gồm cả kế hoạch bắt đầu dỡ bỏ một đợt cắt giảm sản lượng từ tháng 10.
Theo chính sách của OPEC+, một số thành viên được khuyến khích sẽ loại bỏ dần dần mức cắt giảm 2,2 triệu thùng/ngày từ tháng 10 năm nay đến tháng 9 năm sau. Nhóm cũng đồng ý gia hạn mức cắt giảm 3,66 triệu thùng/ngày trước đó cho đến cuối năm 2025.
Hạn chế đà giảm trong phiên là lượng tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 3,4 triệu thùng trong tuần trước.
Ngày 1-8, Ngân hàng Anh đã cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản từ mức 5,25% - mức cao nhất trong 16 năm – xuống 5%. Đây là đợt giảm lãi suất đầu tiên của ngân hàng này kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 3/2020.
Trước đó, ngày 31/7, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell cho biết lãi suất của Mỹ có thể được cắt giảm sớm nhất là vào tháng 9.