Giá xăng dầu hôm nay 2/9: Leo dốc, Brent tiến gần mốc 90 USD/thùng

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguồn cung thắt chặt tiếp tục hỗ trợ giá xăng dầu leo dốc lên mức cao nhất trong 7 tháng, dầu Brent tăng vượt 88 USD/thùng.

Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 2/9 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2023 tăng 1,39 USD, khoảng 1,7%, lên mức 85,02 USD/thùng. Mức giá cao nhất trong phiên của dầu WTI là 85,81 USD - mức cao nhất kể từ ngày 16/11/2022.

Còn dầu Brent giao tháng 10/2023 tăng 1,66 USD, tương đương 1,9%, lên mức 88,49 USD/thùng. 88,75 USD/thùng là mức giá cao nhất trong phiên của dầu Brent và cũng là mức giá cao nhất kể từ ngày 27/1.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Giá dầu đã tăng gần 2 USD lên mức cao nhất trong hơn nửa năm trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 9. Kỳ vọng nguồn cung thắt chặt đã đẩy giá dầu leo dốc liên tục trong tuần và ghi nhận tuần tăng, chấm dứt chuỗi giảm giá kéo dài 2 tuần.

Tính cả tuần, giá dầu Brent đã tăng khoảng 4,8% - mức tăng cao nhất trong một tuần kể từ cuối tháng 7. Đáng chú ý là giá dầu WTI đã tăng vọt tới 7,2% - mức tăng hằng tuần lớn nhất kể từ tháng 3.

Yếu tố chính hỗ trợ giá dầu leo dốc là khả năng cao Saudi Arabia sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 1 triệu thùng/ngày vào tháng 10, kéo dài hạn chế nguồn cung từ OPEC+. Song hành với Saudi Arabia, Nga cũng sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu trong tháng tới.

Reuters cho biết, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 31-8 đã nhấn mạnh rằng Nga, nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới, đã đồng ý với các đối tác của OPEC+ về việc cắt giảm này.

Theo các cuộc khảo sát do Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ thực hiện, nhu cầu tiêu thụ dầu ở Mỹ rất mạnh mẽ, điều đó được minh chứng bằng lượng tồn kho dầu thô thương mại giảm 5 trong 6 tuần gần đây nhất.

Thêm vào đó, báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ đưa ra ngày 1/9 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 8 tăng 3,8% từ mức 3,5% trong tháng 7 và mức tăng lương ở mức vừa phải, củng cố kỳ vọng về việc tạm dừng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Trong khi đó, kỳ vọng về sự phục hồi nhu cầu ở những nơi khác đang tăng lên. Các cuộc khảo sát tư nhân cho thấy sự suy thoái trong hoạt động sản xuất của khu vực đồng euro đã giảm bớt vào tháng trước, cho thấy điều tồi tệ nhất có thể đã qua, trong khi sự phục hồi bất ngờ ở Trung Quốc mang lại một số hy vọng cho các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu.

Cả OPEC và Cơ quan Năng lượng quốc tế đều phụ thuộc vào nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới - Trung Quốc để thúc đẩy nhu cầu dầu trong những tháng còn lại của năm 2023, nhưng sự phục hồi chậm chạp của nền kinh tế nước này khiến các nhà đầu tư lo ngại.

Tamas Varga của công ty môi giới dầu mỏ PVM cho biết thời gian còn lại của năm hứa hẹn tình trạng thiếu nguồn cung, một phần do mức tiêu thụ toàn cầu khá tốt và một phần do Saudi Arabia quyết tâm cung cấp mức giá sàn cao. Một dấu hiệu về nguồn cung tương lai cho thấy, số giàn khoan dầu của Mỹ không thay đổi, duy trì ở mức 512 giàn trong tuần này.