Giá dầu WTI đã bị đẩy xuống mức 80,08 USD/thùng, giảm đến hơn 10 USD so với hồi đầu tháng. Giá dầu Brent cũng lao dốc, xa mốc 90 USD/thùng. Nguồn cung dầu toàn cầu dường như đang giảm, nhưng nhiều nhà kinh doanh cho rằng nhu cầu đang giảm nhanh hơn.
Ả Rập Xê-út đang cắt giảm xuất khẩu dầu mỏ, dự trữ dầu thô của Mỹ đang giảm, các thành viên của Liên minh châu Âu (EU) sẽ giảm mạnh lượng nhiên liệu mua từ Nga vào đầu tháng tới là những nhân tố sẽ khiến giá dầu tăng mạnh. Tuy nhiên, giá dầu tuần này đã trượt dốc không phanh.
Nguyên nhân bởi tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, hoặc chuyển sang tiêu cực ở nhiều quốc gia, việc sử dụng dầu và các sản phẩm từ dầu thường giảm mạnh trong giai đoạn suy thoái.
Giá dầu giảm giúp hạ nhiệt giá xăng ở Mỹ, đây là tin vui đối với nhiều người chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ Tạ ơn vào tuần tới. Giá xăng trung bình ở Mỹ là 3,71 USD/gallon, giảm so với mức giá 3,87USD/gallon một tháng trước đó.
Theo các nhà phân tích, nguyên nhân trực tiếp khiến giá dầu và khí đốt giảm là do tâm lý bất an ngày càng tăng, rằng Trung Quốc sẽ không nới lỏng đáng kể chính sách phong tỏa do Covid-19 vì các ca lây nhiễm đang gia tăng trở lại. Điều đó có thể sẽ kìm hãm nền kinh tế Trung Quốc và nhu cầu dầu của nước này.
Trên thực tế, dữ liệu vận chuyển cho thấy số lượng tàu chở dầu cung cấp cho nước này đã giảm trong những ngày gần đây. Nhu cầu đối với các sản phẩm dầu cũng yếu ở châu Âu, nơi nhiều nền kinh tế đang tăng trưởng rất chậm hoặc thậm chí không tăng trưởng.
Các vấn đề ở Trung Quốc và châu Âu đang giúp hạ giá dầu và khí đốt ở Mỹ xuống một cách hiệu quả. Điều đó có thể hỗ trợ công cuộc giảm lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Trong tuần, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo thị trường dầu mỏ toàn cầu, với tổng sản lượng khoảng 100 triệu thùng/ngày, sẽ giảm 240.000 thùng/ngày trong 3 tháng cuối năm nay do suy thoái toàn cầu, khủng hoảng năng lượng ở châu Âu và sự mạnh lên của đồng USD.
Cơ quan này kỳ vọng nhu cầu tăng trở lại trong quý đầu tiên của năm 2023. Một số nhà sản xuất dầu lớn, bao gồm các thành viên của OPEC+, đã giảm nguồn cung để đáp ứng nhu cầu yếu hơn. Xuất khẩu dầu của Ả Rập Xê-út đã giảm gần 500.000 thùng/ngày trong tháng này.
Tháng trước, OPEC+ đã hỗ trợ giá bằng cách cắt giảm sản lượng hạn ngạch tổng cộng là 2 triệu thùng/ngày. Quyết định này đã đẩy giá lên cao hơn, nhưng chỉ trong vài ngày. Peter McNally, một chuyên gia năng lượng tại công ty nghiên cứu Third Bridge, cho biết: “OPEC đang ở trong tình thế khó khăn khi họ thấy nhu cầu chậm lại lần đầu tiên sau vài năm”.
Với 4 phiên giảm và 1 phiên tăng, giá dầu đã trải nghiệm tuần thứ hai giảm.