70 năm giải phóng Thủ đô

Giá xăng dầu hôm nay 21/8: Khép tuần giao dịch giá dầu tiếp đà giảm

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhteedothi - Lo ngại về tình trạng suy thoái kinh tế làm giảm nhu cầu nhiên liệu, giá dầu hôm nay khép tuần giao dịch với xu hướng giảm mạnh.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, hôm nay (21/8), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2022  đứng ở mức 89,62 USD/thùng. Còn giá dầu Brent giao tháng 10/2022 đứng ở mức 95,76 USD/thùng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các chuyên gia cho rằng, giá dầu thô bước vào tuần giao dịch từ ngày 15/8 với xu hướng giảm mạnh khi mà lo ngại về suy thoái kinh tế lại “nóng” lên trong bối cảnh nhiều quan chức của Fed lên tiếng bày tỏ quan điểm về một đợt tăng lãi suất mới.

Triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu cũng đang chịu áp lực tiêu cực bởi diễn biến tiêu cực của làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 đang tái diễn tại nhiều quốc gia.

Trong khi nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu được dự báo khó khăn thì nguồn cung dầu lại tiếp tục nhận được nhiều tín hiệu tích cực. Mỹ và một số nước đồng minh tiêu thụ dầu thô lớn sẽ bắt đầu kế hoạch xả kho dự trữ. OPEC+ sẽ duy trì kế hoạch tăng sản lượng như đã thoả thuận. Sản lượng dầu của Nga được dự báo sẽ tăng mạnh ở mức 500.000 thùng/ngày, thậm chí có thể lớn hơn khi mà nhiều nước EU đang tính đến chuyện “nới lỏng” các lệnh cấm vận với dầu thô của Nga.

Giàn khoan ngoài khơi của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam). Ảnh minh họa
Giàn khoan ngoài khơi của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam). Ảnh minh họa

Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 15/8 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2022 đứng ở mức 91,05 USD/thùng, giảm 0,41 USD/thùng trong phiên. Còn giá dầu Brent giao tháng 10/2022 đứng ở mức 97,76 USD/thùng, giảm 0,39 USD/thùng trong phiên.

Áp lực giảm giá đối với dầu thô tiếp tục gia tăng khi thị trường ghi nhận loạt dữ liệu kinh tế đáng thất vọng từ Trung Quốc và Ả Rập Xê-út phát đi thông điệp về việc sẵn sàng tăng sản lượng lên 12 triệu thùng/ngày.

Theo đó, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong tháng 7/2022 đã chậm lại do các biện pháp phòng chóng dịch nghiêm ngặt. Sản lượng công nghiệp tháng 7 của Trung Quốc tăng 3,8% so với một năm trước nhưng lại thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng trưởng 4,6%. Doanh số bán lẻ chỉ tăng 2,7% so với mức dự báo 5% và mức tăng trưởng 3,1% trong tháng 6/2022.

Sản lượng của các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đã giảm xuống còn 12,53 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020 và thấp hơn 8,8% so với mức tháng 7/2021. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do các nhà máy lọc dầu quốc doanh như Sinopec và PetroChina ngừng hoạt động và thu hẹp biên độ tinh chế.

Nhưng không chỉ tại Trung Quốc, triển vọng tiêu thụ dầu còn được chịu áp lực giảm mạnh bởi lạm phát ở mức cao tại nhiều quốc gia khiến chi phí cho năng lượng giảm.

Phải đến phiên giao dịch giữa tuần, khi đồng USD suy yếu và thị trường đặt kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ được cải thiện nhờ các chính sách hỗ trợ, phục hồi kinh tế được các nước triển khai, đà giảm giá của dầu thô mới bị chặn lại.

Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu nhanh chóng bị chặn lại khi đồng USD lấy lại đà phục hồi mạnh và nhiều lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế được dấy lên. Thị trường dầu thô cũng ghi nhận khả năng Iran có thể tăng mạnh sản lượng xuất khẩu khi thoả thuận hạt nhân có nhiều bước tiến mới.

Thực tế, bất chấp đồng USD mạnh lên, trong phiên giao dịch ngày 18 - 19/8, giá dầu vẫn duy trì đà tăng mạnh.

Nhưng sau 2 phiên tăng giá mạnh, giá dầu trong phiên giao dịch cuối tuần lại quay đầu giảm mạnh khi áp lực suy thoái kinh tế tiếp tục đè nặng khiến triển vọng tiêu thụ dầu không mấy lạc quan. Đồng USD lên đỉnh 20 năm càng làm áp lực giảm giá gia tăng.