Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá xăng dầu hôm nay 22/11: lấy lại đà tăng

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do lo ngại leo thang xung đột Nga - Ukraine, giá xăng dầu thế giới tiếp tục leo dốc

Các chuyên gia cho biết, kết thúc phiên giao dịch ngày 21/11, giá dầu tăng gần 2% khi xung đột Nga - Ukraine gia tăng nhanh chóng khiến thị trường lo ngại về nguồn cung dầu thô.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Giá dầu Brent tăng 1,42 USD, tương đương 1,95%, lên mức 74,23 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 1,35 USD, tương đương 2%, lên mức 70,1 USD/thùng.
Ngày 21/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga đã phóng tên lửa đạn đạo tầm trung siêu vượt âm vào một cơ sở quân sự của Ukraine và cảnh báo phương Tây rằng Moscow có thể tấn công các cơ sở quân sự của bất kỳ quốc gia nào có vũ khí chống lại Nga. Theo Tổng thống Putin, phương Tây đang leo thang xung đột ở Ukraine bằng cách cho phép Kiev tấn công Nga bằng tên lửa tầm xa và cuộc xung đột Nga - Ukraine đang trở thành một cuộc xung đột toàn cầu.

Trước đó trong tuần, Ukraine đã bắn tên lửa của Mỹ và Anh vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga bất chấp cảnh báo của Moscow rằng họ sẽ coi đó là hành động leo thang nghiêm trọng.

Nhà phân tích hàng hóa tại SEB Ole Hvalbye nhận xét, sự chú ý của thị trường hiện đã chuyển sang mối lo ngại gia tăng về sự leo thang xung đột ở Ukraine.

Nga là quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn thứ 2 thế giới sau Saudi Arabia, do đó, gián đoạn lớn tại đây có thể ảnh hưởng đến nguồn cung toàn cầu.

Các nhà phân tích của ING cho rằng đối với dầu mỏ, rủi ro nằm ở chỗ Ukraine nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga, trong khi rủi ro khác là sự không chắc chắn về cách Nga phản ứng với các cuộc tấn công này.

Hạn chế đà tăng trong phiên là mức tồn kho xăng, dầu của Mỹ tăng vượt quá kỳ vọng của các nhà phân tích, trong khi tồn kho sản phẩm chưng cất giảm nhiều hơn dự kiến.

Cũng trong ngày 21/11, Trung Quốc đã công bố các biện pháp nhằm thúc đẩy thương mại, gồm hỗ trợ nhập khẩu sản phẩm năng lượng, trong bối cảnh lo ngại về lời đe dọa áp thuế cao của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump.
Liên quan đến nguồn cung, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) nhiều khả năng sẽ quyết định hoãn tăng sản lượng do nhu cầu dầu toàn cầu yếu khi nhóm họp vào ngày 1-12.

Trong khi đó, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chi nhánh Chicago Austan Goolsbee đã tái khẳng định sự ủng hộ của ông đối với việc cắt giảm lãi suất hơn nữa nhưng cho rằng tốc độ giảm lãi suất có thể chậm lại.

Việc cắt giảm lãi suất chậm hơn dự kiến khiến chi phí vay vẫn ở mức cao, điều này có thể làm chậm hoạt động kinh tế và làm giảm nhu cầu về dầu.