Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 23/2 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI của Mỹ kỳ hạn tháng 3 tăng 70 cent, tương đương 0,9%, lên mức 78,61 USD/thùng. Còn Brent tăng 64 cent, tương đương 0,77%, lên mức 83,67 USD/thùng.
Các chuyên gia cho biết, kết thúc phiên giao dịch ngày 22/2, giá dầu tăng chưa đến 1% khi tình hình ở Trung Đông vẫn khá căng thẳng.
Đài phát thanh quân đội Israel cho biết, nội các của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã chấp thuận cử các nhà đàm phán tham gia các cuộc đàm phán ngừng bắn diễn ra ở Paris khi áp lực gia tăng ở Trung Đông. Trong khi đó, lực lượng Houthi vẫn tiếp tục tấn công vào các tàu ở Biển Đỏ và các vùng biển khác, triển khai tàu ngầm không người lái.
Đối tác tại Again Capital có trụ sở tại New York John Kilduff nhận xét, tình hình ở Biển Đỏ tiếp tục căng thẳng. Châu Âu đang phải gánh chịu gánh nặng về nguồn cung - nhưng các vấn đề về nguồn cung của châu Âu trở thành vấn đề về nguồn cung của Mỹ vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến xăng và dầu diesel của Mỹ.
Ngày 22/2, mức chênh lệch giữa hợp đồng giao ngay và hợp đồng cho tháng tiếp theo lên tới 75 cent/thùng. Mức chênh lệch đó liên tục được mở rộng trong những phiên gần đây và ngày 20/2 đã chạm mức 1,95 USD/thùng trước khi hợp đồng tháng 3 hết hạn. Trong một lưu ý, nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết những người tham gia thị trường có thể đang định giá khả năng nguồn cung bị gián đoạn trong tương lai gần.
Trong phiên giao dịch ngày 22/2, mức tăng của dầu đã bị hạn chế do tồn kho dầu của Mỹ tăng. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, trong tuần kết thúc vào ngày 16/2, tồn kho dầu thô của Mỹ đã tăng 3,5 triệu thùng lên 442,9 triệu thùng, thấp hơn so với kỳ vọng tăng 3,9 triệu thùng của các nhà phân tích.
Cũng theo cơ quan này, tồn kho xăng giảm 300.000 thùng; tồn kho sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi, đã giảm 4 triệu thùng xuống còn 121,7 triệu thùng, gấp đôi so với kỳ vọng giảm 1,7 triệu thùng.