Giá xăng dầu hôm nay 24/11: WTI và Brent cùng lao dốc

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tồn kho xăng của Mỹ tăng, nhất là G7 đang xem xét mức trần giá đối với dầu của Nga đã đẩy xăng dầu quay đầu lao dốc.

Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 24/11 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2023 giảm 3,01 USD, tương đương 3,7%, xuống mức 77,94 USD/thùng.

Còn giá dầu Brent giao tháng 1 giảm 3,72 USD, tương đương 4,21%, xuống mức 84,64 USD/thùng. Đầu phiên giao dịch, cả 2 hợp đồng dầu tiêu chuẩn này đã tăng hơn 1 USD/thùng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các chuyên gia nhận định, giá dầu giảm khoảng 3 USD trong phiên giao dịch ngày 23/11, tiếp tục chuỗi giao dịch không ổn định do các quốc gia thuộc G7 đang xem xét mức giá trần đối với dầu của Nga cao hơn mức thị trường hiện tại, và tồn kho xăng ở Mỹ tăng cao hơn dự kiến.

Theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ xăng của Mỹ trong tuần tính đến ngày 18/11 đã tăng 3,1 triệu thùng, vượt xa mức tăng 383.000 thùng mà các nhà phân tích đã dự báo. Sự gia tăng nguồn cung xăng cho thấy nhu cầu suy yếu hoặc xăng đang lên giá trước kỳ nghỉ lễ.

Dữ liệu của EIA cũng cho thấy dự trữ dầu thô giảm 3,7 triệu thùng, so với kỳ vọng của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters là giảm 1,1 triệu thùng.

Giá dầu đã chịu tác động nhiều hơn bởi các báo cáo rằng mức trần giá mà G7 áp với dầu của Nga có thể cao hơn mức đang giao dịch. Các quốc gia G7 đang xem xét mức giá trần đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga trong khoảng 65 - 70 USD/thùng.

Theo dữ liệu của Refinitiv, dầu thô Urals giao đến Tây Bắc châu Âu đang giao dịch quanh mức 62 - 63 USD/thùng, mặc dù ở Địa Trung Hải giá cao hơn khoảng 67 - 68 USD/thùng. Vì chi phí sản xuất được ước tính vào khoảng 20 USD/thùng, nên mức trần này vẫn sẽ mang lại lợi nhuận cho Nga khi bán dầu của mình, đồng thời ngăn tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường toàn cầu.

Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ ngày 22/11 cho biết mức giá trần có thể được điều chỉnh một vài lần trong năm. Tin tức này làm gia tăng lo ngại về nhu cầu từ nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu Trung Quốc, quốc gia đang phải vật lộn với sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19.

Trong khi đó, OECD dự đoán tốc độ mở rộng kinh tế toàn cầu sẽ giảm tốc vào năm tới. Giá dầu cũng được hỗ trợ một phần bởi thông tin từ cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rằng hầu hết các nhà hoạch định chính sách đã đồng ý sẽ sớm giảm tốc độ tăng lãi suất.