Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá xăng dầu hôm nay 24/4: tiếp tục leo dốc

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà đầu tư chuyển trọng tâm từ căng thẳng ở Trung Đông sang tình trạng của các nền kinh tế toàn cầu, giá xăng dầu thế giới tiếp tục leo dốc.

Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 24/4 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI tăng 1,46 USD, tương đương 1,8%, lên mức 83,36 USD/thùng. Còn Brent tăng 1,42 USD, tương đương 1,6%, lên mức 88,42 USD/thùng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các chuyên gia nhận định, kết thúc phiên giao dịch ngày 23/4, giá dầu tăng hơn 1 USD. Sự leo dốc của giá dầu được hỗ trợ bởi chỉ số USD giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một tuần qua và các nhà đầu tư chuyển trọng tâm từ căng thẳng ở Trung Đông sang tình trạng của các nền kinh tế toàn cầu.

Chỉ số USD suy yếu sau khi dữ liệu của S&P Global cho thấy hoạt động kinh doanh của Mỹ trong tháng 4 giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tháng do nhu cầu yếu hơn. Đồng bạc xanh rẻ hơn thường làm tăng nhu cầu về dầu tính bằng USD của các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Hỗ trợ giá dầu tăng là dữ liệu khu vực đồng euro cho thấy hoạt động kinh doanh mở rộng trong tháng này.

Chủ tịch của Lipow Oil Associates Andrew Lipow nhận xét, thị trường đang chịu áp lực từ mức tăng trưởng ít hoặc không tăng ngoài khu vực đồng euro, vì vậy bất cứ điều gì cho thấy sự cải thiện đều sẽ mang tính hỗ trợ.
Theo Lipow, những người tham gia thị trường đang xem xét những gián đoạn địa chính trị trong quá khứ để tập trung vào các chỉ số kinh tế và cân bằng cung cầu tổng thể.

Đầu phiên giao dịch, cả dầu Brent và WTI đã giảm hơn 1 USD do căng thẳng giữa Israel và Iran hạ nhiệt cùng với những lo ngại dai dẳng về nhu cầu từ nhà nhập khẩu dầu hàng đầu Trung Quốc.
Gaurav Sharma, nhà phân tích dầu độc lập ở London, cho biết: “Một mặt vẫn còn những nghi ngờ kéo dài về hiệu quả hoạt động của nền kinh tế Trung Quốc, mặt khác là tâm lý chủ đạo rằng OPEC sẽ giữ vững các hành động hỗ trợ giá của mình”.

Các nhà đầu tư đang chờ đợi dữ liệu tổng sản phẩm quốc nội quý đầu tiên của Mỹ được công bố vào cuối tuần này cũng như số liệu tháng 3 về chi tiêu tiêu dùng cá nhân, thước đo lạm phát ưa thích của Fed.

Theo nhà phân tích dầu mỏ tại Công ty môi giới StoneX Alex Hodes, GDP dưới 3% có thể làm dịu đi phần nào sự lo lắng của Fed và tạo ra ít áp lực hơn cho hàng hóa”, “tuy nhiên, GDP cao hơn 3% có thể khiến đồng USD tăng giá hơn nữa, điều này sẽ gây thêm áp lực lên hàng hóa.

Giá dầu tăng chịu tác động một phần bởi báo cáo dự trữ xăng dầu của Mỹ. Theo Viện Dầu khí Mỹ, tồn kho dầu trong tuần tính đến ngày 19/4 giảm 3,23 triệu thùng, tồn kho xăng giảm khoảng 595.000 thùng, và tồn kho sản phẩm chưng cất tăng 724.000 thùng.