Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 24/8/2022, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu Brent giao tháng 10/2022 đã vượt lên ở mức 3 con số với giá giao dịch 100,23 USD/thùng, tăng 0,01 USD/thùng trong phiên.
Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2022 lại giảm khi ghi nhận ở mức 93,71 USD/thùng, giảm 0,03 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 23/8, giá dầu WTI giao tháng 10/2022 đã tăng 2,97 USD/thùng.
Giá dầu ngày 24/8 tăng tới gần 4% trong bối cảnh thị trường ghi nhận cảnh báo về khả năng Ả Rập Xê-út đưa ra ý tưởng cắt giảm sản lượng của OPEC+ để hỗ trợ giá trong trường hợp dầu thô Iran quay trở lại thị trường. Ngoài ra giá dầu tăng cũng có khả năng do dầu tồn kho của Mỹ giảm.
Trong các cuộc phỏng vấn với Energy Intelligence và Bloomberg, Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Xê-út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman nói rằng giá dầu giao sau, đã giảm hơn 25% so với mức đỉnh hồi đầu mùa hè, không phản ánh sự thắt chặt của thị trường giao ngay và nhóm các nhà sản xuất OPEC + có thể cần phải cắt nguồn cung cấp để chấm dứt tình trạng 'chênh lệch' đó.
Cụ thể, theo dữ liệu vừa được Viện Dầu mỏ của Mỹ (API) báo cáo, dự trữ dầu thô của nước này đã giảm mạnh, khoảng 5,6 triệu thùng, tồn kho xăng tăng khoảng 268.000 thùng và dự trữ sản phẩm chưng cất tăng khoảng 1,1 triệu thùng.
Theo Reuters trích dẫn thông tin từ Bộ Năng lượng Mỹ, dự trữ Dầu mỏ Chiến lược của Mỹ (SPR) hiện chỉ còn 453,1 triệu thùng, sau một đợt sụt giảm đáng kể khác trong tuần trước khiến dự trữ khẩn cấp ở mức thấp chưa từng thấy trong 35 năm.
Đồng USD suy yếu cũng là tác nhân thúc đẩy giá dầu đi lên. Ngoài ra, việc gián đoạn nguồn cung khiến giá khí đốt ở châu Âu lên mức cao nhất 14 năm cũng là hô trợ giá dầu thô tăng mạnh.