Các chuyên gia cho biết, kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu tăng khoảng 1%, được thúc đẩy bởi triển vọng nhu cầu mạnh mẽ trong mùa hè, lo ngại về nguồn cung do căng thẳng ở Trung Đông và xung đột Nga-Ukraine, sự suy yếu của đồng USD.
Giá dầu Brent tăng 77 cent, tương đương 0,9%, lên mức 86,01 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 90 cent, tương đương 1,1%, lên mức 81,63 USD/thùng.
Giải thích về sự leo dốc của giá dầu, Tamas Varga của Công ty môi giới dầu mỏ PVM cho biết lý do cơ bản là niềm tin ngày càng tăng rằng tồn kho dầu toàn cầu ở bán cầu bắc chắc chắn sẽ giảm trong mùa hè.
Theo Giám đốc phụ trách hợp đồng năng lượng tương lai tại Mizuho (New York) Bob Yawger, sau đợt giảm mạnh tồn kho dầu thô và xăng của Mỹ vào tuần trước, các nhà giao dịch đang chờ xem liệu báo cáo công bố ngày 26/6 có cung cấp thêm bằng chứng về nhu cầu xăng mạnh mẽ.
Trong khi đó, rủi ro địa chính trị ở Trung Đông và sự gia tăng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu của Nga cũng hỗ trợ giá dầu leo dốc.
Một nhân tố khác đẩy giá dầu tăng tốc là sự suy yếu của đồng USD từ mức cao nhất trong gần 8 tuần khi các nhà giao dịch cảnh giác với việc can thiệp để hỗ trợ đồng yên sau khi đồng yên nhảy vọt lên mức 160 đổi 1 USD.
Dữ liệu từ S&P Global cho thấy hoạt động kinh doanh của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong 26 tháng. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tổng hợp nhanh của Mỹ đã tăng lên 54,6 trong tháng 6, cao hơn so với mức 54,5 trong tháng 5. Chỉ số PMI tổng hợp tăng cao cho thấy điểm sáng trong nền kinh tế Mỹ trong quý II. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ của Mỹ hầu như không tăng trong tháng 5 sau khi giảm trong tháng 4.
Nền kinh tế Mỹ đã phát triển chậm lại sau đợt tăng lãi suất 525 điểm cơ bản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ để kiềm chế lạm phát từ năm 2022. Việc mất đà cùng với áp lực lạm phát giảm bớt đang khiến việc cắt giảm lãi suất trong năm nay trở nên khó khăn.
Ngân hàng Trung ương Mỹ đã duy trì lãi suất qua đêm chuẩn ở mức 5,25% -5,5% kể từ tháng 7/2023.