Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 25/9 (giờ Việt Nam), giá dầu WTI bất ngờ quay đầu trượt nhẹ bất chấp tồn kho xăng, dầu của Mỹ giảm mạnh. Còn Brent vẫn "neo" tại mức 75,17 USD/thùng.
Các chuyên gia cho biết, kết thúc phiên giao dịch ngày 24/9, giá dầu tăng khoảng 2% lên mức cao nhất trong 3 tuần sau động thái nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, và sự gia tăng lo ngại xung đột ở Trung Đông có thể ảnh hưởng đến nguồn cung trong khu vực.
Thị trường dầu mỏ đã từ bỏ một số mức tăng trước đó khi nhiều khả năng cơn bão nhiệt đới Helene đe dọa vùng duyên hải Vịnh Mexico của Mỹ sẽ “bỏ qua” hầu hết các khu vực sản xuất dầu và khí đốt tự nhiên ngoài khơi và tấn công Florida. Khu vực này đóng góp 15% sản lượng dầu và 2% sản lượng khí đốt tự nhiên của Mỹ.
Giá dầu Brent tăng 1,27 USD, tương đương 1,7%, lên mức 75,17 USD/thùng - mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 2-9. Giá dầu WTI của Mỹ tăng 1,19 USD, tương đương 1,7%, lên mức 71,56 USD/thùng.
Giám đốc phân tích thị trường toàn cầu tại Rystad Energy Claudio Galimberti cho biết, việc chính phủ Trung Quốc công bố gói kích cầu kinh tế lớn nhất kể từ đại dịch Covid-19 cùng với căng thẳng địa chính trị gia tăng đột ngột ở Trung Đông đã giáng một đòn mạnh vào tâm lý bi quan vốn thống trị thị trường dầu mỏ trong 3 tuần qua.
Trong khi đó, tại Trung Đông, khu vực sản xuất dầu mỏ quan trọng, nguy cơ một cuộc chiến tranh toàn diện trong khu vực đang ngày một lớn dần khi căng thẳng gia tăng giữa Israel và Hezbollah. Các cuộc không kích của Israel vào Lebanon đang có nguy cơ kéo Iran, thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), tiến gần hơn đến một cuộc xung đột với Israel.
Tại báo cáo triển vọng hàng năm, OPEC đã nâng dự báo về nhu cầu dầu thế giới trong trung và dài hạn.
OPEC dự kiến nhu cầu dầu thế giới sẽ đạt 118,9 triệu thùng/ngày vào năm 2045, cao hơn khoảng 2,9 triệu thùng/ngày so với dự kiến trong báo cáo năm ngoái. Báo cáo đưa ra mốc thời gian đến năm 2050 và dự kiến nhu cầu sẽ đạt 120,1 triệu thùng/ngày vào thời điểm đó.
Hạn chế đà tăng của giá dầu trong phiên là dữ liệu cho thấy trong tháng 9, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ đã giảm xuống 98,7 từ mức 105,6 đã được điều chỉnh tăng vào tháng 8. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 8/2021 trong bối cảnh lo ngại gia tăng về thị trường lao động.
Trong khi đó, dữ liệu từ Viện Dầu khí Mỹ cho thấy, trong tuần kết thúc vào ngày 20/9, tồn kho dầu của Mỹ giảm 4,339 triệu thùng, gấp gần 4 lần so với dự đoán của các nhà phân tích; tồn kho xăng cũng giảm tới 3,438 triệu thùng.