Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá xăng dầu hôm nay 26/7: WTI tiến sát mốc 80 USD/thùng

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dấu hiệu nguồn cung thắt chặt hơn và cam kết của chính quyền Trung Quốc củng cố nền kinh tế, giá dầu đã tăng lên mức cao nhất trong 3 tháng.

Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 25/7 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2023 tăng 89 cent lên mức 79,63 USD/thùng. Còn dầu Brent giao tháng 10/2023 tăng 90 cent, tương đương 1,09%, lên mức 83,64 USD/thùng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các chuyên gia cho biết, trong phiên, giá dầu Brent đã có thời điểm chạm mức 83,87 USD/thùng - mức cao nhất kể từ ngày 19/4. Mức giá cao nhất của dầu WTI trong phiên là 79,9 USD/thùng - mức cao nhất kể từ ngày 19/4. Cả hai mặt hàng dầu tiêu chuẩn này đã tăng 4 tuần liên tiếp.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/7, giá dầu đã tăng lên mức cao nhất trong 3 tháng. Đà leo dốc của giá dầu vẫn được duy trì bởi nhiều yếu tố, trong đó nổi bật là dấu hiệu nguồn cung thắt chặt hơn và cam kết của chính quyền Trung Quốc nhằm củng cố nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Nguồn cung dự kiến sẽ thắt chặt do OPEC, Nga và các đồng minh cắt giảm sản lượng là yếu tố chính hỗ trợ giá dầu tăng liên tục thời gian qua. Hiện tại, dầu Brent đang ở trong tình trạng bù hoãn bán - một cấu trúc giá cho thấy các nhà giao dịch nhận thấy nguồn cung khan hiếm.

Tại Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, các nhà lãnh đạo đã cam kết tăng cường hỗ trợ chính sách kinh tế. Hạn chế mức tăng của giá dầu là một số dữ liệu kinh tế từ châu Âu và Mỹ.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy tại khu vực đồng euro, hoạt động kinh doanh trong tháng 7 giảm hơn dự kiến do nhu cầu trong ngành dịch vụ của khối giảm trong khi sản lượng của nhà máy giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ khi dịch Covid-19 lần đầu tiên xuất hiện.

Theo nghiên cứu này, chỉ số quản lý mua hàng tổng hợp (PMI) của HCOB cho khu vực đồng euro trong tháng 7, do S&P Global biên soạn và được coi là thước đo tốt về sức khỏe kinh tế tổng thể, đã giảm xuống 48,9 (mức thấp nhất trong 8 tháng) từ mức 49,9 của tháng 6.

Dữ liệu cho thấy nguy cơ GDP khu vực đồng euro bị thu hẹp trong quý III đang tăng lên. Trong khi đó, tại Mỹ, cũng trong tháng 7, PMI đã giảm xuống mức 52 từ mức 53,2 của tháng 6. Đây mà mức PMI thấp nhất trong 5 tháng do tăng trưởng của ngành dịch vụ giảm tốc. Giá đầu vào giảm và việc tuyển dụng chậm hơn cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đạt được tiến bộ trên các mặt trận quan trọng trong nỗ lực giảm lạm phát.

Các thị trường dự đoán Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp của họ trong tuần.

Trong ngày 25/7, dữ liệu từ Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy dự trữ dầu thô và sản phẩm chưng cất của Mỹ tăng trong tuần trước, trong khi dự trữ xăng giảm. Cụ thể, dự trữ dầu thô tăng khoảng 1,32 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 21-7. Tồn kho xăng giảm 1,043 triệu thùng, trong khi tồn kho sản phẩm chưng cất tăng 1,614 triệu thùng.