Khép tuần giao dịch, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, hôm nay, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2023 đứng ở mức 76,55 USD/thùng; trong khi giá dầu Brent giao tháng 1/2023 đứng ở mức 83,87 USD/thùng.
Các chuyên gia nhận định, sau khi lao dốc mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần trước, giá dầu thế giới bước vào tuần giao dịch từ ngày 21/11 với xu hướng tăng nhẹ bởi lo nguồn cung gián đoạn do các lệnh cấm vận, trừng phạt của EU, G7 đối với dầu thô Nga.
Kế hoạch của G7 nhắm áp trần giá dầu thô của Nga có hiệu lực vào ngày 5/12 và EU cũng cấm nhập khẩu dầu thô của Nga vào cùng ngày. Sau đó, EU sẽ cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu thô của Nga bắt đầu từ ngày 5/2/2023.
Cơ chế giới hạn giá do Mỹ dẫn đầu của G7 và lệnh cấm từ EU có khả năng làm gián đoạn 2,5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày đến châu Âu. Lệnh cấm vào tháng 2 đối với các sản phẩm dầu thô cũng sẽ có tác động đáng lo ngại đối với thị trường dầu diesel vốn đã khan hiếm.
Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 21/11 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2023 đứng ở mức 80,18 USD/thùng. Còn giá dầu Brent giao tháng 1/2023 đứng ở mức 87,78 USD/thùng.
Đà tăng giá của dầu thô tiếp tục gia tăng khi đồng USD mất giá và áp lực nguồn cung thắt chặt gia tăng trong bối cảnh dự trữ dầu thô Mỹ giảm mạnh.
Theo Viện Dầu khí Mỹ (API), dự trữ dầu thô Mỹ trong tuần trước đã giảm 4,2 triệu thùng, giảm xa dự báo 2,2 triệu thùng được đưa ra trước đó. Tồn kho xăng của Mỹ cũng giảm 400.000 thùng và dự trữ sản phẩm chưng cất tăng 1,1 triệu thùng.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu thô cũng bị kiềm chế đáng kể bởi thông tin EU cân nhắc giảm các lệnh cấm vận, trừng phạt với dầu thô Nga và diễn biến tiêu cực của dịch Covid-19 tại Trung Quốc.
Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 23/11 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2023 đứng ở mức 81,29 USD/thùng. Còn giá dầu Brent giao tháng 1/2023 đứng ở mức 88,65 USD/thùng.
Tuy nhiên, khi những thông tin về dự trữ xăng của Mỹ được phát đi làm gia tăng lo ngại về triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu, đặc biệt là dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều khu vực tại Trung Quốc và mức giá trần với dầu thô Nga được G7 xem xét đưa ra cao hơn giá giao dịch hiện tại, giá dầu thô đã quay đầu sụt giảm mạnh.
Theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ xăng trong tuần của nước này trong tuần tính đến 18/11 đã tăng tới 3,1 triệu thùng, vượt xa con số dự báo 383.000 thùng được các nhà phân tích đưa ra trước đó.
Dữ liệu từ EIA cũng cho thấy, dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 18/11 đã giảm tới 3,7 triệu thùng, vượt xa con số dự báo 1,1 triệu thùng được các nhà phân tích đưa ra trong một cuộc thăm dò của Reuters.
G7 cũng được cho là sẽ xem xét áp giá trần với dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển trong khoảng 65-70 USD/thùng. Trong khi theo dữ liệu từ của Refinitiv, dầu thô Urals của Nga được giao đến Tây Bắc châu Âu đang có giá vào khoảng 62-63 USD/thùng, còn ở Địa Trung Hải vào khoảng 67-68 USD/thùng. Thông tin này đã gần như dẹp bỏ mọi lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung dầu thô từ Nga.
Tại Trung Quốc, số ca mắc Covid-19 mới ở nước này trong tuần được ghi nhận ở mức kỷ lục, 31.000 ca. Trước diễn biến tiêu cực của dịch Covid-19, nhiều thành phố lớn của Trung Quốc đã tiếp tục thực thi các biện pháp phong toả, hạn chế đi lại... để kiềm chế sự lây lan của dịch.
Tại thị trường trong nước, theo chu kỳ điều hành giá xăng dầu, ngày 21/11, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu.
Theo đó, tại kỳ điều hành, Liên bộ ngừng chi quỹ bình ổn giá, đồng thời trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu với xăng E5 RON 92 ở mức 250 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 200 đồng/lít, dầu diesel, dầu mazut 300 đồng/lít (kg).
Hiện giá bán các loại xăng dầu được niêm yết phổ biến trên thị trường như sau: Xăng E5 RON 92 không cao hơn 22.670 đồng/lít, xăng RON 95 không cao hơn 23.780 đồng/lít, dầu hỏa không cao hơn 24.640 đồng/lít, dầu diesel không cao hơn 24.800 đồng/lít, dầu mazut không cao hơn 14.780 đồng/kg.