Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 27/8 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2022 đứng ở mức 92,97 USD/thùng, tăng 0,45 USD/thùng trong phiên.
Còn giá dầu Brent giao tháng 10/2022 đứng ở mức 100,80 USD/thùng, tăng 1,46 USD/thùng trong phiên.
Theo nhận định của các chuyên gia, trong bối cảnh các dữ liệu về nền kinh tế Mỹ ghi nhận con số tích cực hơn so với dự báo, qua đó làm giảm đáng kể lo ngại về tình trạng suy thoái kinh tế, giá dầu ngày 27/8 duy trì đà tăng.
GDP quý II/2022 của Mỹ sau khi điều chỉnh đã giảm 0,6%, thấp hơn đáng kể con số 0,9% được Bộ Thương mại Mỹ đưa ra vào tháng 7/2022.
Nền kinh tế Mỹ tiếp tục ghi nhận dữ liệu kinh tế tích cực khi chỉ có 243.000 đơn xin trợ cấp thất nghiệp theo tuần, thấp hơn khá nhiều so với con số dự báo 253.000.
Thị trường cũng khá lạc quan vào triển vọng phục hồi nhu cầu tiêu thụ dầu tại Trung Quốc khi nước này liên tiếp thực hiện giảm lãi suất để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế.
Giá dầu hôm nay cũng được thúc đẩy mạnh bởi thông tin Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất bày tỏ quan điểm đồng tình với khả năng cắt giảm sản lượng của Ả Rập Xê-út để bù đắp sự gia tăng nguồn cung từ Iran nếu Thoả thuận hạt nhân được thông qua.
Ngược lại, giá dầu thô cũng đang chịu áp lực đáng kể bởi nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm xăng dầu tại Mỹ có dấu hiệu chậm lại, trong khi sản lượng khai thác lại có dấu hiệu tăng lên.
Theo dữ liệu từ Bakes Hughes, số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động tính đến ngày 26/8 của Mỹ đã tăng 4 giàn, lên 605.
Dữ liệu mới nhất vừa được Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố cho thấy, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của Mỹ có dấu hiệu chậm lại với mức trung bình 4 tuần thấp hơn 7% so với cùng kỳ 2021.
Bloomberg ngày 24/8 dẫn lời một quan chức phương Tây cho biết, Nga đã tiếp cận một số quốc gia châu Á để thảo luận về các hợp đồng mua bán dầu dài hạn với mức chiết khấu lên tới 30%.
Đồng USD mạnh hơn nhờ kỳ vọng tăng lãi suất của Fed cũng là một nhân tố tạo áp lực giảm giá lên kim loại quý.