Khép tuần giao dịch, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, hôm nay ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2022 đứng ở mức 92,97 USD/thùng, tăng 0,45 USD/thùng trong phiên. Còn giá dầu Brent giao tháng 10/2022 đứng ở mức 100,8 USD/thùng, tăng 1,46 USD/thùng trong phiên.
Như vậy, tính chung trong tuần giao dịch, giá dầu thô tăng mạnh.
Bước vào tuần giao dịch ngày 22/8, giá dầu thô lao dốc bởi lo ngại nhu cầu yếu, trong khi nguồn cung được cải thiện và đồng USD mạnh hơn.
Tuy nhiên, khi áp lực giảm giá vẫn rất lớn, giá dầu ngày 23/8 bất ngờ tăng mạnh trở lại nhờ kỳ vọng nhu cầu dầu từ Trung Quốc phục hồi, khi nước này liên tiếp thực hiện các quyết định hạ lãi suất để hỗ trợ kinh tế.
Không chỉ tại Trung Quốc, thị trường cũng đặt kỳ vọng nhu cầu dầu ở châu Âu tăng mạnh, khi nhiều quốc gia trong khu vực đang bế tắc việc đảm bảo nguồn cung khí cho mùa Đông khắc nghiệt sắp tới.
Giá dầu còn được thúc đẩy bởi thông tin OPEC+ có thể sẽ giảm sản lượng trước khả năng Iran tăng nguồn cung thời gian tới. Đây được xem là động thái tạo thế căn bằng cung-cầu và đảm bảo giá dầu ở mức lý tưởng của OPEC+. Đồng USD yếu hơn cũng là nhân tố thúc đẩy giá dầu đi lên.
Động lực hỗ trợ tiếp tục được củng cố khi thị trường ghi nhận triển vọng tiêu thụ năng lượng ở Mỹ tăng cao. Cụ thể, theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô của nước này đã giảm 3,3 triệu thùng, tồn kho xăng giảm 4,6 triệu thùng trong tuần trước.
GDP quý II/2022 của Mỹ sau khi điều chỉnh đã giảm 0,6%, thấp hơn đáng kể con số 0,9% được Bộ Thương mại Mỹ đưa ra vào tháng 7/2022.
Giá dầu cũng được hỗ trợ mạnh bởi quan điểm cứng rắn, không nhượng bộ về vấn đề Thoả thuận hạt nhân của Iran. Thoả thuận có thể mở ra khả năng thị trường có thêm 1 triệu thùng/ngày. Điều này đã thu hẹp đáng kể khả năng hoạt động xuất khẩu dầu của Iran được nới lỏng.
Mặc dù có xu hướng tăng mạnh trong tuần giao dịch từ ngày 22/8, giá dầu tuần tới được dự báo gặp không ít thách thức khi đồng USD mạnh hơn nhờ kỳ vọng Fed thực hiện một đợt tăng lãi suất mới. Bên cạnh đó, nguồn cung dầu được cải thiện khi Nga đã phát đi tín hiệu sẵn sàng chiết khấu tới 30% cho hợp đồng mua dầu dài hạn với các nước châu Á, số lượng giàn khoan tại Mỹ cũng được ghi nhận tăng…
Tại thị trường trong nước, ngày 22/8, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã công bố giá cơ sở cho kỳ điều hành từ ngày 22/8 cho các mặt hàng xăng dầu.
Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Xăng E5 RON 92 niêm yết không cao hơn 23.725 đồng/lít, xăng RON 95-III niêm yết không cao hơn 24.669 đồng/lít, dầu diesel 0.05S niêm yết không cao hơn 23.759 đồng/lít, dầu hỏa niêm yết không cao hơn 24.056 đồng/lít, dầu mazut 180CST 3.5S niêm yết không cao hơn 16.548 đồng/kg.