Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá xăng dầu hôm nay 29/3: Tiếp tục suy giảm

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Triển vọng OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng, các cuộc tấn công liên tục vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga... là nguyên nhân khiến giá xăng dầu thế giới quay đầu giảm nhẹ.

Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 29/3 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI của Mỹ giao tháng 5 tăng 1,82 USD, tương đương 2,2%, lên mức 83,17 USD/thùng. Còn dầu Brent kỳ hạn tháng 5 tăng 1,39 USD, tương đương 1,6%, lên mức 87,48 USD/thùng - mức cao nhất kể từ ngày 27/10/2023. Hợp đồng tháng 5 hết hạn vào ngày 29/3. Giá dầu Brent giao tháng 6 tăng 1,58 USD lên mức 87 USD/thùng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các chuyên gia cho biết, kết thúc phiên giao dịch ngày 28/3, giá dầu tăng khoảng 2% do triển vọng OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng, các cuộc tấn công liên tục vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga, và việc thắt chặt số lượng giàn khoan của Mỹ. Tính từ đầu tuần đến nay, giá dầu Brent đã tăng 2,4%, dầu WTI tăng khoảng 3,2%.

Trong phiên giao dịch ngày 27/3, giá dầu giảm, chịu áp lực bởi tồn kho dầu thô và xăng của Mỹ bất ngờ tăng do nhập khẩu dầu thô tăng và nhu cầu xăng chậm. Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ, trong tuần kết thúc vào ngày 22-3, tồn kho dầu thô của Mỹ tăng 3,2 triệu thùng, tồn kho xăng tăng 1,3 triệu thùng. Mức tăng tồn kho dầu này thấp hơn gần 3 lần so với mức 9,337 triệu thùng mà Viện Dầu khí Mỹ đã đưa ra trước đó.

Nhà phân tích Bjarne Schieldrop của SEB cho biết: “Chúng tôi dự kiến tồn kho của Mỹ sẽ tăng ít hơn bình thường do thị trường dầu mỏ toàn cầu đang bị thâm hụt nhẹ” và “điều này có thể sẽ hỗ trợ giá dầu Brent trong tương lai”.

Tỷ lệ sử dụng nhà máy lọc dầu của Mỹ tăng 0,9 điểm phần trăm trong tuần trước đã hỗ trợ giá dầu lấy lại đà tăng. Theo Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, số giàn khoan dầu và khí đốt, một chỉ số sớm của sản lượng tương lai, đã giảm 3 giàn xuống 621 giàn trong tuần tính đến ngày 28/3.

Trong khi đó, dữ liệu từ Cục Phân tích Kinh tế của Bộ Thương mại Mỹ chỉ ra rằng trong quý IV-2023, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng nhanh hơn ước tính trước đó. Cụ thể, GDP tăng 3,4%, thay vì 3,2% trong báo cáo trước đó.

Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh cùng dữ liệu lạm phát trước đó càng củng cố kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay.

Các nhà phân tích của JPMorgan cho biết thị trường đang tập trung vào việc Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6. Lãi suất thấp hơn thường hỗ trợ nhu cầu dầu.

Các nhà đầu tư sẽ theo dõi các tín hiệu từ cuộc họp của Ủy ban Giám sát chung cấp Bộ trưởng của OPEC vào tuần tới.
Rủi ro địa chính trị gia tăng đã làm tăng kỳ vọng về khả năng gián đoạn nguồn cung, nhưng OPEC+ khó có thể thực hiện bất kỳ thay đổi nào về chính sách sản lượng dầu cho đến cuộc họp cấp bộ trưởng đầy đủ vào tháng 6.

Theo John Kilduff, đối tác của Again Capital LLC, các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga cũng đã thúc đẩy tâm lý về nguồn cung dầu thô toàn cầu đang thắt chặt và điều này hỗ trợ giá dầu leo dốc.