Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 3/2 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI của Mỹ giảm 1,54 USD, tương đương 2%, xuống mức 72,28 USD/thùng. Còn Brent kỳ hạn tháng 3, giảm 1,37 USD, tương đương 1,7%, xuống mức 77,33 USD/thùng.
Các chuyên gia cho biết, kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu giảm thêm khoảng 2% sau khi dữ liệu việc làm của Mỹ làm giảm khả năng Fed sớm cắt giảm lãi suất tại nền kinh tế lớn nhất thế giới khiến nhu cầu dầu thô có thể giảm. Tăng trưởng chững lại ở Trung Quốc và khả năng giảm bớt căng thẳng ở Trung Đông cũng là những nhân tố đẩy giá dầu “lao dốc không phanh”.
Tính cả tuần, cả hai mặt hàng dầu chuẩn giảm khoảng 7%, cắt đứt đà tăng tuần. Lãi suất cao, vốn có xu hướng làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu mỏ, ở các nền kinh tế lớn như Mỹ và khu vực đồng euro dường như sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới.
Theo Reuters, dữ liệu ngày 3/2 cho thấy các nhà tuyển dụng Mỹ đã bổ sung thêm nhiều việc làm trong tháng 1 so với dự kiến, làm giảm khả năng Fed cắt giảm lãi suất trong thời gian ngắn.
Matt Smith, nhà phân tích tại Kpler, cho biết: “Giá cả biến động rất ít trước báo cáo, nhưng tốc độ tăng trưởng việc làm được tạo ra đang đẩy khả năng cắt giảm lãi suất xuống thấp”. Còn theo Marc Chandler, chiến lược gia trưởng thị trường tại Bannockburn Global Forex ở New York, báo cáo việc làm đã “thổi bay kỳ vọng” Fed sớm cắt giảm lãi suất.
Chiến lược gia này cho biết, thị trường đã cắt giảm thêm khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 3 và giảm số lượng cắt giảm (dự kiến) mà Fed sẽ thực hiện trong năm nay.
Ngoài số liệu nói trên, nhân tố khiến giá dầu giảm là sự cố ngừng hoạt động tại một nhà máy lọc dầu của Tập đoàn BP có công suất 435.000 thùng/ngày ở Whiting, Indiana, sau khi mất điện khiến hoạt động bị gián đoạn hôm 1/2. Mặc dù nguồn điện tại nhà máy lọc dầu đã được khôi phục vào giữa trưa 2/2, nhưng BP vẫn chưa ấn định ngày khởi động lại nhà máy.
Trong khi đó, theo Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, số giàn khoan dầu của Mỹ , một chỉ số sớm về nguồn cung tương lai, giữ ổn định ở mức 499 trong tuần này.
Mối lo ngại về sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn tồn tại. Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã dự báo tăng trưởng kinh tế của quốc gia Đông Á sẽ chậm lại, ở mức 4,6% vào năm 2024, và giảm thêm trong trung hạn xuống còn khoảng 3,5% vào năm 2028.
Liên quan đến tình hình Trung Đông, các nhà hòa giải đang chờ phản hồi từ Hamas về một đề xuất về lệnh ngừng bắn kéo dài. Việc ngừng bắn có thể giảm bớt rủi ro chính trị đang rình rập trên các tuyến đường vận chuyển trên Biển Đỏ, vốn là chìa khóa cho dòng năng lượng toàn cầu.