Giá xăng dầu hôm nay 30/10: Dầu thô ghi nhận tuần lao dốc

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhu cầu tiêu thụ sụt giảm, đặc biệt là tại Trung Quốc đã lấn át những lo ngại về nguồn cung thắt chặt, qua đó khiến giá dầu hôm nay khép tuần giao dịch với xu hướng giảm mạnh.

Khép tuần giao dịch, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, hôm nay ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12/2022 đứng ở mức 87,84 USD/thùng, giảm 1,24 USD/thùng trong phiên. Còn giá dầu Brent giao tháng 12/2022 đứng ở mức 95,58 USD/thùng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các chuyên gia nhận định, bước vào tuần giao dịch từ ngày 24/10, giá dầu thô có xu hướng tăng nhẹ nhờ kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ được cải thiện và nguồn cung thắt chặt.

Tuần trước, nhà máy lọc dầu tư nhân lớn Zhejiang Petrochemical Corp đã nhận được hạn ngạch nhập khẩu dầu thô bổ sung 10 triệu tấn cho năm 2022, và nhà máy lọc dầu của nhà nước ChemChina nhận thêm hạn ngạch 4,28 triệu tấn. Tổng mức hạn ngạch nhận thêm này tương đương với 104 triệu thùng.

Mới nhất, Trung Quốc đã yêu cầu các doanh nghiệp xuất nhập khẩu năng lượng quốc doanh của nước này gồm PetroChina, Sinopec và CNOOC ngừng việc bán lại LNG cho khách hàng nước ngoài, để đảm bảo nguồn cung cho mùa Đông.

Thông tin này làm gia tăng lo ngại về tình trạng nguồn cung thắt chặt hơn, đặc biệt khi các lệnh cấm vận, trừng phạt đối với dầu thô Nga của EU, G7 đến gần, qua đó hỗ trợ giá dầu đi lên.

Quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+ cũng sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 11 tới. Theo tính toán, nguồn cung từ OPEC+ sẽ bị cắt giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày.

Hoạt động khai thác dầu khí trên biển của Petrovietnam. Ảnh minh họa
Hoạt động khai thác dầu khí trên biển của Petrovietnam. Ảnh minh họa

Đà tăng của giá dầu tiếp tục được củng cố sau khi thị trường ghi nhận thông tin tăng trưởng kinh tế quý III/2022 của Trung Quốc vượt dự báo.

Theo đó, GDP quý III tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mạnh hơn ước tính 3,3% của các nhà kinh tế mà Bloomberg khảo sát. Con số này tốt hơn nhiều so với mức tăng 0,4% ghi nhận trong quý II, thời kỳ Thượng Hải bị phong tỏa để chống dịch Covid.

Đáng chú ý, sản xuất công nghiệp trong tháng 9 tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn mức 4,2% trong tháng 8. Mức tăng này cũng vượt dự báo 4,8% của các nhà kinh tế. Đầu tư tài sản cố định trong 9 tháng đầu năm tăng 5,9%.

Đà tăng của giá dầu bị chặn lại trong phiên 26/10 khi thị trường ghi nhận cảnh báo về tình trạng bất ổn khi các nước thực hiện xả kho dự trữ dầu chiến lược.

Dữ liệu từ Viện Dầu khí Mỹ (API), dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 21/10 đã tăng 4,5 triệu thùng, trong khi dự trữ xăng giảm khoảng 2,3 triệu thùng và dự trữ các sản phẩm chưng cất tăng 635.000 thùng.

Tuy nhiên, bước vào phiên 27/10, trong bối cảnh đồng USD mất giá và triển vọng tiêu thụ dầu tích cực, giá dầu đã quay đầu tăng mạnh.

Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 27/10 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12/2022 đứng ở mức 88,17 USD/thùng. Còn giá dầu Brent giao tháng 12/2022 đứng ở mức 96,15 USD/thùng.

Mặc dù vậy, đà tăng của giá dầu đã không thể duy trì khi thị trường lại “nóng” lên lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu từ Trung Quốc trước diễn biến tiêu cực của dịch Covid-19.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ ở mức 3,2% trong năm 2022, thấp hơn rất nhiều con số tăng trưởng 8,1% của năm 2021.

Tổng Giám đốc phụ trách nghiên cứu tại Nissan Securities, Hiroyuki Kikukawa mới đây đã đưa bình luận, xuất khẩu dầu thô của Mỹ đạt kỷ lục cho thấy triển vọng tiêu thụ dầu, nhưng ở chiều hướng khác, những chính sách kinh tế của Trung Quốc cũng đang tạo sức ép không nhỏ lên lòng tin của nhà đầu tư.

Triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu giảm còn do lo ngại làn sóng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Fed, sẽ tạo thêm áp lực, làm chậm quá trình phục hồi kinh tế khi lạm phát vẫn ở mức cao.

Đọc tiếp