Giá xăng dầu hôm nay 4/12: Ghi nhận tuần tăng giá trái chiều

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 3 tuần giảm liên tiếp, khả năng OPEC+ cắt giảm hạn ngạch sản lượng, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm và việc áp mức giá trần đã khiến giá xăng dầu ghi nhận tuần tăng đầu tiên.

Chốt tuần giao dịch, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 4/12 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2023 đứng ở mức 79,98 USD/thùng, tăng 5% trong phiên. Còn giá dầu Brent giao tháng 2/2023 đứng ở mức 85,57 USD/thùng, tăng 2,5% trong phiên.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong tuần, 2 mặt hàng dầu tiêu chuẩn liên tục tăng, giảm trái chiều. Giá dầu tuần này chịu tác động mạnh bởi khả năng OPEC+ cắt giảm hạn ngạch sản lượng, lo ngại và kỳ vọng xoay quanh việc thắt chặt và nới lỏng các biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19 ở Trung Quốc. Đặc biệt, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm sốc cùng sự thống nhất trong mức giá trần đối với dầu Nga vận chuyển bằng đường biển của Liên minh châu Âu (EU) và các nước G7.

Phân tích của các chuyên gia, ngay phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu WTI của Mỹ tăng gần 1 USD, trong khi đầu phiên giảm gần 3 USD xuống 73,6 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm ngoái. Trước khi giảm khoảng nửa USD, giá dầu Brent đã giảm hơn 3% xuống mức 80,61 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ ngày 4/1 năm nay.

Cây xăng PVoil. Ảnh minh họa
Cây xăng PVoil. Ảnh minh họa

Phiên thứ hai cũng chứng kiến giá dầu WTI tăng trong khi giá dầu Brent giảm. Phải đến phiên giao dịch thứ 3 của tuần, cả dầu WTI và Brent mới tìm được sự đồng điệu, cùng tăng hơn 2 USD bởi các dấu hiệu cho thấy nguồn cung thắt chặt hơn, đồng USD suy yếu và sự lạc quan về nhu cầu phục hồi ở Trung Quốc.

Sự đồng điệu này đã không thể kéo dài. Kết thúc phiên giao dịch thứ 4 của tuần, giá dầu Brent và WTI lại trở về trái chiều dù cả hai ghi nhận mức giảm so với đợt tăng đầu phiên.

Kết thúc phiên giao dịch đầy bấp bênh cuối cùng của tuần, giá dầu giảm 1,5% ngay trước thềm cuộc họp của OPEC+ vào hôm nay (4/12) và lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu thô vận chuyển qua đường biển của Nga có hiệu lực từ 5/12.

Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, dự trữ dầu thô của nước này giảm gần 13 triệu thùng - mức cao nhất kể từ năm 2019, trong tuần kết thúc vào ngày 25/11. Cũng trong tuần, nhiều nguồn tin cho rằng chính sách giảm hạn ngạch sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày sẽ được OPEC+ duy trì cho tháng 1.

Ngày 2/12, các thành viên của EU và G7 đã tìm được tiếng nói chung đối với mức giá trần 60 USD/thùng áp lên dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết mức trần giá dầu của Nga sẽ được điều chỉnh theo thời gian để liên minh có thể phản ứng với diễn biến của thị trường.

Giá dầu sẽ tiếp tục biến động sau quyết định của OPEC+ ngày hôm nay cùng với những tín hiệu lạc quan về nhu cầu dầu của Trung Quốc.