Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá xăng dầu hôm nay 5/7: WTI vượt mốc 70 USD/thùng

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau thông báo cắt giảm sản lượng của 3 nhà cung cấp, giá xăng dầu lấy lại được đà tăng. WTI tăng 1,44 USD, lên mức 71,23 USD/thùng.

Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 5/7 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2023 tăng 1,44 USD, lên mức 71,23 USD/thùng. Còn dầu Brent giao tháng 10/2023 tăng 1,6 USD, tương đương 2,14%, lên mức 76,25 USD/thùng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các chuyên gia cho biết, kết thúc phiên giao dịch ngày 4/7, giá dầu tăng 2% khi thị trường cân nhắc việc cắt giảm nguồn cung trong tháng 8 của các nhà xuất khẩu hàng đầu Saudi Arabia và Nga trước triển vọng kinh tế toàn cầu yếu.

Saudi Arabia ngày 3/7 thông tin, sẽ kéo dài việc cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày sang tháng 8. Cũng trong tháng 8, Nga và Algeria sẽ tình nguyện giảm mức sản lượng và xuất khẩu lần lượt là 500.000 thùng/ngày và 20.000 thùng/ngày.

Nếu được thực hiện đầy đủ, tổng sản lượng cắt giảm sẽ lên tới 5,36 triệu thùng/ngày trong tháng 8, thậm chí có thể nhiều hơn do một số thành viên thuộc OPEC+ không thể hoàn thành hạn ngạch sản lượng của họ. Tổng mức cắt giảm hiện tại đang ở mức hơn 5 triệu thùng/ngày, tương đương 5% sản lượng dầu toàn cầu.

Chủ tịch của Lipow Oil Associates Andrew Lipow có trụ sở tại Houston cho biết, sự cắt giảm này của Saudi Arabia nhằm đẩy giá dầu chạm mốc 80 USD/thùng để duy trì ngân sách trong nước của họ.

Song, thị trường sẽ chờ đợi để xác minh việc cắt giảm đã công bố của Nga và những lo ngại liên quan đến việc lãi suất sẽ tiếp tục tăng cao sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu toàn cầu. Cả dầu Brent và WTI đều đã giảm khoảng 1% trong phiên trước đó do triển vọng kinh tế vĩ mô ảm đạm đã xóa sạch mức tăng đầu phiên.

Thị trường Mỹ đã đóng cửa trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh (4/7). nhà phân tích của OANDA Craig Erlam nhận xét, sau thông báo cắt giảm sản lượng của ba quốc gia nói trên, có rất ít thay đổi trong việc tăng giá dầu.

Các cuộc khảo sát kinh doanh đã cho thấy sự sụt giảm trong hoạt động của các nhà máy toàn cầu do nhu cầu chậm ở Trung Quốc và châu Âu. Tương tự, hoạt động sản xuất của Mỹ cũng tiếp tục giảm trong tháng 6 xuống mức được ghi nhận lần cuối trong đợt đại dịch Covid-19 đầu tiên. Cụ thể, PMI sản xuất giảm xuống 46 trong tháng 6 từ 46,9 trong tháng 5.

Theo các nhà phân tích của Commerzbank, ngay trước khi có thông báo cắt giảm sản lượng tự nguyện của Saudi Arabia, Nga, và Algeria, dữ liệu của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy thị trường dầu mỏ có thể bị thiếu hụt nguồn cung khoảng 2 triệu thùng/ngày trong quý III và IV năm nay.

Giá dầu đã không “nhảy vọt” sau thông tin về cắt giảm sản lượng phần lớn là do lo ngại về nhu cầu đối với sự phục hồi kinh tế chậm của Trung Quốc sau khi dỡ bỏ các hạn chế về đại dịch. Trong khi đó, lãi suất ở Mỹ và châu Âu dự kiến sẽ tăng hơn nữa để giải quyết tình trạng lạm phát cao kéo dài.