Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá xăng dầu hôm nay 5/8: leo dốc đầu phiên

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bước vào phiên giao dịch đầu tuần, giá xăng dầu thế giới quay đầu tăng do căng thẳng gia tăng giữa Israel - Hezbollah, Israel - Hamas.

Các chuyên gia cho biết, giá dầu Brent và WTI cùng tăng nhẹ chưa đến 0,5%. Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 5/8 (giờ Việt Nam), giá dầu WTI đạt 73,93 USD/thùng, giảm 0,21 USD. Còn Brent giao dịch ở mức 76,81 USD/thùng, giảm 0,63 USD.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sự quay đầu của giá dầu là do lo ngại xung đột Israel - Hezbollah leo thang sau khi Hezbollah phóng hàng chục rocket vào lãnh thổ của Israel cuối tuần qua nhằm đáp trả các cuộc tấn công của Israel vào miền Nam Lebanon, cũng như việc một chỉ huy cấp cao của Hezbollah bị Israel hạ sát ở Beirut.

Israel cũng tiến hành không kích vào thành phố Gaza và để đáp lại, Hamas phóng rocket về phía Israel. Nhiều nước đã kêu gọi công dân của mình nhanh chóng sơ tán khỏi Lebanon và tránh mọi chuyến đi đến Israel.

Tuần trước, giá dầu đánh dấu tuần giảm thứ 4 liên tiếp với dầu Brent giảm hơn 5%, dầu WTI giảm xấp xỉ 5%. Giá dầu lao dốc bởi lo ngại nhu cầu suy yếu từ Trung Quốc và những tác động chưa rõ ràng đến nguồn cung từ rủi ro địa chính trị ở Trung Đông.

Trong 5 phiên giao dịch, giá dầu giảm tới 4 phiên, nhưng tăng vọt 1 phiên. Hai phiên giao dịch đầu tiên, giá dầu lao dốc khi một số quan chức Israel cho biết muốn tránh kéo Trung Đông vào một cuộc chiến toàn diện và nguồn cầu yếu từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, vụ ám sát thủ lĩnh chính trị của Hamas khi ông đang là thượng khách của Iran đã đẩy nguy cơ một cuộc chiến toàn diện ở Trung Đông lên cao. Thêm vào đó, tồn kho xăng dầu của Mỹ tiếp tục giảm. Đây là 2 yếu tố chính hỗ trợ giá dầu tăng mạnh ở phiên giao dịch thứ 3 với dầu Brent tăng gần 3%, dầu WTI tăng hơn 4%.

Đà tăng của giá dầu đã nhanh chóng bị đứt quãng ở phiên giao dịch thứ 4 và 5 bởi các nhà đầu tư tập trung vào lo ngại về nguồn cầu. Trong 2 phiên này, giá dầu Brent và WTI đều giảm khoảng 5% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1.

Dữ liệu từ Trung Quốc cho thấy, trong tháng 6, hoạt động nhập khẩu và lọc dầu tại quốc gia Đông Á thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Cũng trong tuần trước, báo cáo từ Cục Thống kê Lao động của Bộ Lao động Mỹ chỉ ra trong tháng 7, tại Mỹ đã có thêm 114.000 việc làm, gần bằng 1/2 mức 215.000 việc làm/tháng được thêm vào trong một năm và thấp hơn nhiều so với mức 200.000 việc làm mà các nhà kinh tế cho là cần thiết để theo kịp tốc độ tăng trưởng dân số. Tăng trưởng việc làm thấp, tỷ lệ thất nghiệp tăng 4,3% càng củng cố khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9.

Dự báo tuần này, sẽ có ít dữ liệu kinh tế được đưa ra. Dữ liệu quan trọng có thể kể đến chỉ số quản lý mua hàng trong lĩnh vực dịch vụ tháng 7. Tình hình xung đột ở Trung Đông sẽ tiếp tục là điểm nhấn hỗ trợ giá dầu tăng hoặc đẩy giá dầu trượt dốc.