Khép tuần giao dịch, trên sàn New York Mercantile Exchanghe hôm nay ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2023 đứng ở mức 91,38 USD/thùng, tăng 4,20 USD/thùng trong phiên. Còn khi giá dầu Brent giao tháng 1/2023 đứng ở mức 98,64 USD/thùng, tăng 3,97 USD/thùng trong phiên.
Bước vào tuần giao dịch từ ngày 31/10, giá dầu thế giới có xu hướng tăng nhẹ trong bối cảnh thị trường lo ngại nguồn cung bị thắt chặt hơn khi các lệnh cấm vận của EU với Nga có hiệu lực.
Không chỉ phải đối diện với sự bất ổn xung quanh việc EU áp trần giá dầu đối với dầu thô Nga, mà thị trường dầu thô và vận chuyển dầu còn phải đối diện với câu hỏi ai sẽ vận chuyển dầu của Nga và bằng cách nào từ ngày 5/12 tới.
Dữ liệu ước tính từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong tháng 9/2022, Nga đã xuất khẩu 7,5 triệu thùng/ngày các sản phẩm thô và tinh chế. Điều này có nghĩa nếu Nga muốn tiếp tục đưa sản lượng này vào thì trường thì sẽ phải đồng ý bán dầu của mình bằng hoặc thấp hơn giới hạn giá mà EU và G7 đặt ra. Còn nếu không thì sẽ buộc phải tìm đội tàu khác, công ty bảo hiểm, tài chính... đáp ứng được yêu cầu của Nga để chuyển sản lượng này đến các thị trường có thể.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu đã không được duy trì trong phiên giao dịch sau đó, khi nhiều dữ liệu kinh tế tiêu cực được phát đi. Theo dữ liệu vừa được công bố, chỉ số PMI sản xuất trong tháng 10/2022 của Trung Quốc chỉ đạt 49,2, thấp hơn mức dự báo 50 điểm. Chỉ số Quản lý sức mua hỗn hợp của nền kinh tế Trung Quốc chỉ đạt 49 điểm, thấp hơn mức dự báo 50,9 được đưa ra trước đó. Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong 9 tháng dầu năm 2022 đã giảm 4,3% so với cùng kỳ 2021.
Không chỉ ở Trung Quốc, Nhật Bản, khu vực Eurozone cũng đang ghi nhận nhiều dấu hiệu chậm lại. Lạm phát ở khu vực Eurozone được ghi nhận ở mức cao kỷ lục 10,7% do giá năng lượng, hàng hoá tăng cao. Điều này làm dấy lên khả năng ECB sẽ sớm thực hiện một đợt tăng lãi suất mới nhằm hạ nhiệt lạm phát.
Ttiếp đó, thông tin Trung Quốc xem xét nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch đã hỗ trợ giá dầu ngày 2/11 quay đầu tăng mạnh. Đồng USD yếu hơn cũng là nhân tố hỗ trợ giá dầu thô đi lên.
Nguồn cung dầu thô trên thị trường hiện bị cắt giảm hơn 1 triệu thùng/ngày theo quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+ từ đầu tháng 11/2022.
Mặc dù vậy, đà tăng của giá dầu đã không được duy trì trong những phiên giao dịch sau đó, khi thị trường lo ngại quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ kéo theo một đợt tăng lãi suất mới của các ngân hàng trung ương, qua đó có thể đẩy kinh tế toàn cầu sớm rơi vào trạng thái suy thoái.
Nhưng trong phiên giao dịch cuối tuần, trong bối cảnh đồng USD mất giá cộng với kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ được cải thiện giúp giá dầu thô bật tăng mạnh.
Hiện Trung Quốc vẫn tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về phòng chống dịch Covid-19 sau khi số ca mắc mới ở nước ngày lên cao nhất kể từ tháng 8 vào ngày 3/11. Tuy nhiên, theo Reuters, một cựu quan chức kiểm soát dịch của nước này cho biết sẽ sớm có những thay đổi đáng kể về chính sách phòng chống dịch Covid-19.
Tại Mỹ, bất chấp việc Fed vẫn đang kiên định với chính sách tiền tệ thắt chặt và thực hiện lộ trình tăng lãi suất, thị trường lao động Mỹ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng tốt, qua đó phần nào hạ nhiệt lo ngại suy thoái kinh tế.
Theo báo cáo của Cục Thống kê Lao động Mỹ, trong tháng 10, nền kinh tế nước này đã tạo ra 261.000 việc làm, vượt xa con số dự báo 197.000 được đưa ra trước đó. Báo cáo cũng điều chỉnh số lượng việc làm trong tháng 9/2022 từ 263.000 lên 315.000 và tháng 8/2022 được điều chỉnh từ 292.000 lên 315.000.