Các chuyên gia cho biết, trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 7/3 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent và WTI cùng giảm nhẹ.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/3, giá dầu bất ngờ quay đầu tăng khoảng 1%, từ bỏ thiết lập hat-trick giảm ngày. Sự tăng tốc của giá dầu là do tồn kho dầu thô của Mỹ tăng ít hơn dự kiến, trong khi tồn kho xăng và các sản phẩm chưng cất giảm nhiều hơn dự kiến, cùng với kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất trong năm nay.
Giá dầu Brent tăng 92 cent, tương đương 1,1%, lên mức 82,96 USD/thùng; giá dầu WTI của Mỹ tăng 98 cent, tương đương 1,3%, lên mức 79,13 USD/thùng.
Reuters dẫn dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết trong tuần kết thúc vào ngày 1/3, tồn kho dầu thô của Mỹ tăng 1,4 triệu thùng, thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng 2,1 triệu thùng của các nhà phân tích.
Cũng theo EIA, tồn kho xăng đã giảm 4,5 triệu thùng; tồn kho sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi, giảm 4,1 triệu thùng. Mức giảm này sâu hơn rất nhiều so với mức dự báo chỉ giảm 1,6 triệu thùng xăng và 0,7 triệu thùng sản phẩm chưng cất của các nhà phân tích.
Nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group nhận xét việc giảm tồn kho xăng và sản phẩm chưng cất đang thu hút sự chú ý của thị trường. Đây là lời cảnh tỉnh về một thị trường rất eo hẹp. Liên quan đến vấn đề tăng, giảm lãi suất ở Mỹ, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết Ngân hàng Trung ương Mỹ vẫn dự kiến sẽ giảm lãi suất chuẩn vào cuối năm nay, mặc dù các nhà hoạch định chính sách vẫn cần “niềm tin lớn hơn” vào đà giảm tiếp tục của lạm phát.
Tuy nhiên, Chủ tịch Fed không tiết lộ thời điểm chính xác để giảm lãi suất. Thực tế là Fed thật khó có thể đưa ra thời gian chính xác do nhiều tín hiệu trái chiều đến từ các báo cáo của Mỹ. Gần đây nhất, trong tháng 2, biên chế tư nhân của Mỹ tăng ít hơn so với dự kiến, củng cố khả năng cắt giảm lãi suất, trong khi dữ liệu cho thấy sự gia tăng trong hoạt động kinh tế của Mỹ từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 2 lại hỗ trợ cho khả năng giữ nguyên lãi suất.
Sau những bình luận của Chủ tịch Fed, đồng USD tiếp tục tụt sâu xuống mức thấp nhất trong 1 tháng. Đồng bạc xanh yếu hơn có thể thúc đẩy nhu cầu dầu. Trở lại diễn biến xung đột ở Trung Đông, hiện các cuộc đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin giữa Israel và Hamas đang rơi vào bế tắc khi cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza ngày càng sâu sắc và một tàu buôn bốc cháy sau một cuộc tấn công chết người ở Biển Đỏ.
Sự gián đoạn trong vận chuyển của tàu chở dầu do các cuộc tấn công trên Biển Đỏ của lực lượng Houthi, cùng với việc gia hạn cắt giảm nguồn cung đến hết quý II của OPEC+, đã gây ra tình trạng thắt chặt nguồn cung, đặc biệt là ở các thị trường châu Á.
Sự thắt chặt đó thể hiện rõ khi Saudi Arabia, nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, công bố giá bán dầu thô tháng 4 cao hơn cho châu Á, thị trường lớn nhất của nước này.
Tại thị trường trong nước, theo chu kỳ điều hành của liên Bộ Tài chính - Công Thương, giá xăng dầu dự kiến sẽ giảm nhẹ trong khoảng 100 - 300 đồng/lít. Nếu liên bộ trích quỹ bình ổn, giá xăng dầu có thể giảm ít hơn, thậm chí đi ngang. Tại kỳ điều hành giá tuần trước, giá xăng dầu tăng nhẹ.
Hiện giá bán lẻ xăng dầu trong nước như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 22.752 đồng/lít. Xăng RON 95-III không quá 23.929 đồng/lít. Dầu diesel không quá 20.773 đồng/lít. Dầu hỏa không quá 20.785 đồng/lít. Dầu mazut không quá 15.959 đồng/lít.