Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá xăng dầu hôm nay 9/7: hạ nhiệt

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do bão Beryl và kỳ vọng sẽ đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở dải Gaza, giá xăng dầu thế giới tiếp tục trượt dốc.

Các chuyên gia cho biết, kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tuần (ngày 8/7), giá dầu giảm khoảng 1% xuống mức thấp nhất trong 1 tuần khi bão Beryl khiến các các nhà máy lọc dầu và cảng của Mỹ dọc Vịnh Mexico phải đóng cửa và kỳ vọng về 1 thỏa thuận ngừng bắn có thể đạt được ở Gaza.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Giá dầu Brent giảm 79 cent, tương đương 0,9%, xuống mức 85,75 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 83 cent, tương đương 1%, xuống mức 82,33 USD/thùng.

Theo Reuters, bão Beryl đã tràn qua bang Texas - nơi sản xuất nhiều dầu và khí đốt tự nhiên nhất của Mỹ, gây gió mạnh và mưa lớn. Các cảng dầu buộc phải đóng cửa, hàng trăm chuyến bay bị hủy và hơn 2,7 triệu ngôi nhà và doanh nghiệp bị mất điện.

Trong khi đó, tại Trung Đông, các cuộc đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 9 tháng qua ở dải Gaza đang đang diễn ra.

Các nhà phân tích tại Công ty tư vấn năng lượng Ritterbusch and Associates nhận xét, giá dầu hạ nhiệt đáng kể do sự lạc quan về lệnh ngừng bắn ở Gaza khi các cuộc đàm phán đang diễn ra có vẻ như đang có tiến triển.

Các nhà đầu tư cũng đang theo xem liệu các cuộc bầu cử ở Anh, Pháp và Iran trong tuần qua sẽ ảnh hưởng như thế nào đến địa chính trị và chính sách năng lượng.

Tại châu Á, lượng dầu thô nhập khẩu giảm nhẹ trong nửa đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là do lượng dầu nhập khẩu vào Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới - giảm.

Tại Ấn Độ - quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới, trong tháng 6, mức tiêu thụ nhiên liệu tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 19,99 triệu tấn.

Tại Đức, trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu giảm nhiều hơn dự kiến do nhu cầu từ Trung Quốc, Mỹ và các nước châu Âu yếu.
ITại Kazakhstan, Bộ Năng lượng nước này cho biết Kazakhstan sẽ bù đắp sản lượng dầu vượt quá hạn ngạch của OPEC+ trong nửa đầu năm nay vào tháng 9 năm sau.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) đã gia hạn các đợt cắt giảm sản lượng dầu đến năm 2025. Việc cắt giảm sản lượng này đã khiến các nhà phân tích dự báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong quý III do nhu cầu vận tải và điều hòa không khí trong mùa hè làm giảm lượng dự trữ nhiên liệu.