Giá dầu đã tăng mạnh khoảng 3% lên mức cao nhất trong 9 tuần ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần do lo ngại về nguồn cung và lực mua kỹ thuật. Giá dầu Brent tăng lên mức 78,47 USD/thùng, giá dầu WTI chốt phiên ở mức 73,86 USD/thùng.
Đây là mức đóng cửa cao nhất đối với dầu Brent kể từ ngày 1/5 và dầu WTI kể từ ngày 24/5. Cả dầu Brent và WTI đều đã ghi nhận mức tăng khoảng 5% trong tuần.
Các chuyên gia nhận định, giá dầu tuần này đã kéo dài đà tăng 1 USD của tuần trước nhưng với mức tăng cao hơn. Những lo ngại xoay quanh sự cắt giảm nguồn cung từ các nhà sản xuất dầu lớn trên thế giới cùng với sự sụt giảm trong dự trữ xăng, dầu của Mỹ đã hỗ trợ giá dầu tăng tốc trong tuần.
Tuy nhiên, trong tuần giá dầu đã có những thời điểm chao đảo, đặc biệt là ở phiên giao dịch đầu tiên của tuần. Giá dầu giảm hơn 1% trong phiên này bởi lo ngại nền kinh tế toàn cầu chậm lại và khả năng Mỹ tăng lãi suất vượt trội. Điều này đã lấn át yếu tố Saudi Arabia và Nga cắt giảm nguồn cung trong tháng 8.
Theo Reuters, Saudi Arabia sẽ tiếp tục cắt giảm tự nguyện 1 triệu thùng/ngày trong tháng 8, đồng thời để ngỏ khả năng kéo dài việc cắt giảm sang những tháng sau đó.
Nga cũng sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu 500.000 thùng/ngày trong tháng 8. Việc cắt giảm này nâng tổng số cắt giảm dầu cam kết của các nhà sản xuất dầu OPEC+ lên 5,16 triệu thùng/ngày trong tháng 8, tương đương 5% nhu cầu toàn cầu. Đà giảm của giá dầu đã bị cắt đứt ngay ở phiên giao dịch thứ hai của tuần.
Giá dầu quay đầu bật tăng 2% khi thị trường cân nhắc việc cắt giảm nguồn cung trong tháng 8 của Saudi Arabia và Nga trước triển vọng kinh tế toàn cầu yếu. Cũng chỉnh bởi cam kết giảm cung của hai nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới này đã đẩy giá dầu tiếp đà tăng mạnh trong phiên giao dịch thứ ba của tuần.
Theo đó, giá dầu WTI của Mỹ tăng khoảng 3%, thu hẹp khoảng cách giá với dầu Brent chuẩn toàn cầu. Thị trường dầu sau đó đã chững lại sau khi biên bản cuộc họp ngày 13 và 14/6 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được công bố, trong đó Fed ghi nhận sẽ có nhiều đợt tăng lãi suất nhưng với tốc độ chậm hơn và các quan chức Fed đã quyết định hoãn tăng lãi suất trong tháng 6 để đánh giá tác động của 10 lần tăng lãi suất “khủng” trước đó.
Tại phiên giao dịch thứ tư của tuần, giá dầu gần như đi ngang, với Brent giảm 13 cent, WTI tăng 1 cent do thị trường cân nhắc nguồn cung dầu thô của Mỹ thắt chặt hơn với khả năng Mỹ tăng lãi suất cao hơn có thể làm giảm nhu cầu năng lượng.
Trong tuần, dữ liệu từ Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến. Dự trữ dầu thô trong tuần trước đã giảm 1,5 triệu thùng xuống 452,2 triệu thùng. Mức giảm này thấp hơn so với số liệu từ Viện Dầu khí Mỹ (API) rằng dự trữ dầu của Mỹ giảm khoảng 4,4 triệu thùng. Cùng với dầu, tồn kho xăng và sản phẩm chưng cất của Mỹ cũng giảm với mức giảm tương ứng là 2,5 triệu thùng và 1 triệu thùng.
Sự tạm dừng sản xuất của Equinor ASA (Na Uy) tại mỏ dầu Oseberg East ở Biển Bắc do thiếu nhân sự, khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất, và Mỹ đang có ý định mua bổ sung 6 triệu thùng dầu cho kho dự trữ chiến lược của mình là những yếu tố có thể đẩy giá xăng dầu lập hat-trick tăng trong tuần tới.