Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 9/8 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2023 ở mức 81,69 USD/thùng, giảm 0,16 USD trong phiên và tăng 0,23 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 8/8.
Còn dầu Brent giao tháng 10/2023 đứng ở mức 86,1 USD/thùng, giảm 0,16 USD trong phiên và tăng 0,26 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 8/8.
Các chuyên gia nhận định, giá dầu thế giới hôm nay (9/8) đảo chiều tăng giá sau khi báo cáo hàng tháng của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy sản lượng dầu thô của Mỹ dự kiến sẽ tăng thêm 850.000 thùng/ngày lên mức kỷ lục 12,76 triệu thùng/ngày trong năm 2023. Sản lượng dầu thô dự kiến sẽ tăng 330.000 thùng/ngày lên 13,09 triệu thùng/ngày vào năm 2024.
Sản lượng dầu kỷ lục gần đây nhất là 12,3 triệu thùng/ngày vào năm 2019, trước thời điểm đại dịch Covid-19 đè bẹp nhu cầu và giá cả. EIA cho biết sự gia tăng dự báo sản lượng là do năng suất ở mức giếng dự kiến cao hơn và giá dầu thô cũng cao hơn.
Giá dầu thô Brent chuẩn toàn cầu dự kiến đạt mức trung bình 86 USD/thùng trong nửa cuối năm 2023, tăng khoảng 7 USD/thùng so với dự báo trước đó. Tăng trưởng GDP của Mỹ dự kiến sẽ tăng 1,9% trong năm nay, tăng từ mức 1,5% trong dự báo tháng trước.
Giá dầu thô đã tăng kể từ tháng 6, nguyên nhân chủ yếu do việc cắt giảm sản lượng dầu thô tự nguyện kéo dài của Ả Rập Xê-út và nhu cầu nhiên liệu toàn cầu ngày càng tăng.
Sản lượng dầu toàn cầu tăng vào năm 2024 dự kiến sẽ theo kịp nhu cầu dầu và gây áp lực giảm giá dầu thô bắt đầu từ quý II/2024. Cũng theo báo cáo của EIA, tổng mức tiêu thụ xăng dầu của Mỹ được dự báo sẽ tăng 200.000 thùng/ngày lên 20,5 triệu thùng/ngày trong năm 2023 và được dự báo sẽ tăng thêm 200.000 thùng/ngày lên 20,7 triệu thùng/ngày vào năm 2024.
EIA đã đảo ngược dự báo về thâm hụt nguồn cung trên thị trường dầu mỏ toàn cầu trong năm nay, cơ quan này đang kỳ vọng sản lượng dầu của các nước ngoài Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) sẽ tăng mạnh hơn.