Theo giới phân tích, nhiều khả năng Mỹ và Iran sẽ cùng ngồi xuống để thảo luận về lối ra cho cuộc khủng hoảng tại khu vực này. Và một khi mối quan hệ giữa các bên được khơi thông, thì những căng thẳng hiện tại ở eo biển Hormuz sẽ được giải tỏa, không đe dọa làm thiếu hụt nguồn cung dầu thô.
Bộ Lao động Mỹ cho biết riêng trong tháng 1/2013 nền kinh tế nước này đã tạo ra thêm 157.000 việc làm mới, cao hơn nhiều so với mức trung bình 127.000 việc làm trong tháng 11 và tháng 12 năm ngoái. Bên cạnh đó, giá dầu còn được hỗ trợ bởi thông tin tích cực về hoạt động chế tạo tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới.
Theo các nhà phân tích, dù giảm đôi chút, song giá dầu Brent vẫn vững trên 116 USD/thùng, gần mức cao nhất trong hơn 4 tháng. Số liệu lạc quan về thị trường lao động Mỹ và đà phục hồi mạnh mẽ hơn tại Trung Quốc đang làm dịu đi những lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ tại hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ giảm sút. Nhà phân tích Ric Spooner, thuộc CMC Markets, đánh giá triển vọng sáng sủa hơn của kinh tế Mỹ và Trung Quốc vẫn là nhân tố trợ giúp thị trường "vàng đen."
Trong khi đó, tình hình nợ công tại châu Âu lại nổi lên, gây nguy cơ đe dọa các thị trường tài chính, sau khi lợi suất trái phiếu của Italy và Tây Ban Nha đồng loạt tăng vọt. “Thừa dịp”, giá đồng USD tăng mạnh. Phiên hôm qua, chỉ số USD đã tăng lên 79,547 điểm, từ mức 79,097 điểm cuối tuần trước.
Việc đồng USD tăng giá luôn được xem là một áp lực lớn đối với các giao dịch hàng hóa quốc tế được thanh toán bằng loại tiền tệ này, trong đó bao gồm các mặt hàng năng lượng như xăng, dầu.
Chốt phiên giao dịch ngày 4/2, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 3 trên sàn New York giảm tới 1,6 USD, tương ứng gần 1,6%, xuống còn 96,17 USD/thùng. Tuần trước giá dầu thô loại này đã tăng được 2%. Cũng trong ngày 4/2, tại sàn London, giá dầu thô Brent giảm xuống mức 115,62 USD mỗi thùng.
Tương tự như dầu thô, trên sàn New York, giá dầu sưởi giao tháng 3 giảm 0,2%, xuống còn 3,15 USD/gallon, trong khi giá xăng giao cùng kỳ hạn giảm 4 cent, tương ứng 1,4%, xuống còn 3,01 USD/gallon. Ngược dòng, khí tự nhiên tháng 3 tăng 1 cent, tương ứng 0,4%, lên 3,315 USD/ triệu BTU.
Trong phiên giao dịch 4/2, giá dầu trên thị trường châu Á trượt xuống, sau khi tăng mạnh trong phiên cuối tuần trước, nhờ số liệu tích cực từ kinh tế Mỹ và Trung Quốc.
Chiều cùng ngày, tại Sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ New York giao tháng 3/2013 giảm 30 xu xuống 97,47 USD/thùng; còn giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn giảm 27 xu xuống 116,49 USD/thùng.