Giá xăng dầu mất đà tăng, dầu Brent giảm 0,02 USD/thùng

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguồn cung dầu tiếp tục có nguy cơ gia tăng, cùng với lo ngại dịch Covid-19 sẽ làm chậm quá trình phục hồi nhu cầu tiêu thụ dầu thô khiến giá xăng dầu hôm nay xu hướng giảm nhẹ.

Tính đến đầu giờ sáng 12/8 (theo giờ Việt Nam), trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2021 đứng ở mức 68,98 USD/thùng, giảm 0,04 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 11/8, giá dầu WTI giao tháng 10/2021 đã tăng 0,72 USD/thùng.
Còn giá dầu Brent giao tháng 10/2021 đứng ở mức 71,42 USD/thùng, giảm 0,02 USD/thùng trong phiên nhưng đã tăng 0,64 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 11/8.
Giá xăng dầu quay đầu giảm nhẹ (ảnh minh họa).
Giá dầu ngày 12/8 giảm nhẹ chủ yếu do lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu thô toàn cầu chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Giá dầu hôm nay còn chịu áp lực giảm giá khi Mỹ có động thái hối thúc OPEC+ tăng sản lượng để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế.
Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan trong một tuyên bố mới đây đã cho rằng, mức tăng sản lượng dầu của các nhà sản xuất dầu chủ chốt hiện nay là không đủ, khi các nền kinh tế bắt đầu dần hồi phục sau đại dịch Covid-19. Ông Jake Sullivan đồng thời cũng cảnh báo, nếu không có hành động sớm, giá dầu cao hơn sẽ là rào cản, nguy cơ đe doạ đà phục hồi của các nền kinh tế.
Trong diễn biến mới nhất, ngày 11/8, Nhà Trắng đã chỉ thị Ủy Thương mại Liên bang điều tra các yếu tố đẩy giá dầu tại Mỹ tăng cao thời gian qua, điều mà giới chức Mỹ không mong muốn vì nó sẽ khiến các loại chi phí hàng hoá, tiêu dùng, sản xuất… của nền kinh tế tăng theo.
Diễn biến tiêu cực của dịch Covid-19 với sự xuất hiện của nhiều biến chủng mới tại các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… cũng làm dấy lên những lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu thô toàn cầu.
Ở chiều hướng khác, giá dầu ngày 12/8 đang được hỗ trợ bởi các số liệu thống kê cho thấy dự trữ xăng và dầu thô của Mỹ đã giảm trong tuần trước. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tăng trưởng việc làm, hoạt động đi lại gia tăng là điều đã giúp cải thiện mạnh nhu cầu tiêu thụ dầu thô và các sản phẩm từ dầu thô của nền kinh tế số 1 thế giới.
Giới đầu tư kỳ vọng nhu cầu dầu thô sẽ tăng mạnh hơn do gói chi tiêu cho cơ sở hạ tầng 1.000 tỷ USD của Mỹ vừa được thông qua, và sắp tới có thể sẽ là gói ngân sách trị giá 3.500 tỷ cho các chương trình xã hội, biến đổi khí hậu.