Giá xăng, dầu năm 2023 diễn biến khó lường: Không dễ ứng phó

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự báo giá dầu thế giới năm 2023 tiếp tục diễn biến khó lường, tác động bất lợi tới thị trường trong nước.

Do đó, Chính phủ, cơ quan điều hành cần có giải pháp ứng phó mang tính dài hạn và bền vững để ổn định thị trường xăng, dầu, tránh những cú sốc cho nền kinh tế.

Giá dầu thế giới nhiều biến động

Giá dầu thế giới phụ thuộc rất lớn vào biến động địa chính trị, nên không ngạc nhiên khi dự báo của các tổ chức quốc tế về thị trường nhiên liệu này liên tục thay đổi. Trong báo cáo đưa ra hồi tháng 1/2023, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo giá dầu thô Brent năm 2023 tương đối ổn định quanh mức 85 USD một thùng trong quý II, sau đó giảm từ quý III cho đến cuối năm 2024. Theo đó, mỗi thùng dầu Brent sẽ có giá bình quân 83 USD năm nay và giảm về 79 USD vào năm 2024 do lượng dầu tồn kho trên toàn cầu tăng.

Giá dầu thô WTI (giá tham chiếu của Mỹ) cũng có diễn biến tương tự, ở mức trung bình 77 USD một thùng trong năm 2023 và 72 USD mỗi thùng trong 2024. Tuy nhiên, những diễn biến mới từ động thái mở cửa trở lại của Trung Quốc và mạnh tay cấp hạn ngạch nhập khẩu dầu cho các nhà máy lọc dầu tư nhân của chính quyền Bắc Kinh khiến giới phân tích cho rằng nhu cầu dầu sẽ khởi sắc mạnh.

Tổ chức Goldman Sachs trong báo cáo vừa công bố đưa ra dự báo giá dầu sẽ vượt 100 USD một thùng trong năm nay và nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng thêm khoảng 2,7 triệu thùng/ngày, dẫn tới nguy cơ thị trường thiếu cung vào nửa sau của năm nay.

Goldman Sachs cho rằng, nếu giá dầu yếu hơn dự báo, OPEC+ (Liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa và một số thành viên ngoài khối gồm Nga) sẽ duy trì kế hoạch cắt giảm sản lượng đã công bố, hoặc giảm nhiều hơn để giữ giá dầu.

Với biên độ giá dầu thô vẫn ở mức cao, dự báo giá thành phẩm xăng, dầu thế giới năm 2023 quanh mức 95 - 105 USD/thùng. Bộ Công Thương đánh giá, mức này giảm khoảng 12 - 20% so với giá bình quân năm ngoái, song vẫn ở mức cao nên sẽ ảnh hưởng tới kinh tế trong nước.

Giá xăng, dầu trong nước thực tế phụ thuộc rất lớn và trực tiếp từ giá thế giới. Biến số chiến sự Nga - Ukraine hay việc Trung Quốc mở cửa tới đâu sau khi nới lỏng các biện pháp phòng dịch Covid-19 sẽ là ẩn số tác động lớn tới giá nhiên liệu này trong nước.

Giá xăng, dầu trong nước sẽ không tăng đột biến

Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) Bùi Ngọc Bảo nhìn nhận, mặt bằng giá nhiên liệu vẫn biến động trong năm nay do phụ thuộc nhiều vào diễn biến giá thế giới và các ẩn số tình hình địa chính trị toàn cầu, nhưng sẽ khó vượt mức đỉnh đã lập hồi giữa năm 2022, tức gần 33.000 đồng/lít xăng.

Mua bán xăng tại cửa hàng trên đường Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng
Mua bán xăng tại cửa hàng trên đường Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng

Trong khi đó, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên Cao cấp Học viện Tài chính lạc quan hơn khi cho rằng, nhiều lo ngại Trung Quốc mở cửa sẽ hút lượng lớn nhiên liệu sản xuất, khiến giá năng lượng đắt đỏ hơn nhưng mức tăng giá của nhiên liệu sẽ không nhiều.

"Giá dầu thô dự báo quanh mức 80 USD một thùng nên giá thành phẩm xăng, dầu biến động nhẹ. Vì thế, giá bán lẻ trong nước xoay quanh mức như hiện tại, hoặc tăng nhẹ chứ khó đột biến như thời điểm giữa năm 2022" - PGS.TS Định Trọng Thịnh dự đoán.

Hiện nay, giá xăng, dầu trong nước được cơ quan quản lý điều hành theo nguyên tắc thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, thông qua hai giải pháp chủ yếu là nguồn cung và điều chỉnh các yếu tố cấu thành giá bán (thuế, phí...). Do đó, cơ quan điều hành vẫn còn công cụ điều tiết thông qua Quỹ bình ổn xăng dầu, giảm thuế, phí trong cơ cấu giá bán lẻ trong trường hợp biến động bất thường về giá.

Năm nay, thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu giảm 50% so với biểu khung thuế đến hết năm 2023, tức mỗi lít xăng (trừ ethanol) chịu 2.000 đồng; các mặt hàng dầu (trừ dầu hỏa) là 1.000 đồng mỗi lít; dầu hỏa 600 đồng, mỡ nhờn 1.000 đồng... Điều này cho thấy, dư địa giảm tiếp thuế này vẫn còn nên khi xảy ra tình huống bất thường, cơ quan điều hành có thể tính toán, đề xuất cấp có thẩm quyền đưa về mức sàn của biểu khung thuế.

Về nguồn cung, Việt Nam hiện có 2 nhà máy lọc dầu (Bình Sơn và Dung Quất) sản xuất, cung ứng khoảng 70 - 75%, còn lại nhập khẩu 25 - 30% cho sản xuất, tiêu dùng trong nước.

Năm 2022, Lọc dầu Nghi Sơn đạt công suất trung bình cả năm gần 88% tương ứng 33 chuyến dầu thô (8,9 triệu tấn). Tổng lượng hàng sản xuất và cung cấp ra thị trường 7,4 triệu tấn sản phẩm các loại, trong đó có 7,7 triệu m3 xăng, dầu cho thị trường nội địa.

Năm nay nhà máy này đặt mục tiêu công suất gần 80% do có gần 2 tháng bảo dưỡng tổng thể, tương ứng chế biến khoảng 7,96 triệu tấn dầu thô. Trong khi đó, Nhà máy lọc dầu Dung Quất sản xuất khoảng 7 triệu m3 xăng, dầu cho thị trường trong năm ngoái.

Theo Bộ Công Thương, tình hình tiêu thụ xăng, dầu năm nay tăng cao để phục hồi sản xuất, kinh tế sau dịch Covid-19. Bộ Công Thương dự kiến sản lượng xăng, dầu tiêu thụ tăng khoảng 10% so với năm 2022. Theo đó, Bộ đã phân giao tổng lượng xăng, dầu nhập khẩu cho các DN đầu mối gần 26 triệu m3, tấn (xăng đạt xấp xỉ 11 triệu m3, chiếm trên 42%; dầu diesel 14,5 triệu m3, chiếm gần 56% tổng cầu tiêu dùng).

“Với việc hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất có kế hoạch bảo dưỡng tổng thể kéo dài nên nguồn cung là vấn đề Bộ chú trọng tính toán kỹ, phân giao lượng nhập khẩu bù đắp cho các đầu mối sớm, sát thực tế nhằm tránh tình trạng thiếu xăng, dầu cục bộ” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay.

Chủ động các giải pháp mang tính dài hạn

Phân tích về những tác động của giá dầu thế giới, PGS.TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhận định, giá xăng, dầu trong nước phụ thuộc rất lớn vào giá dầu thế giới vì nguồn cung trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu của nền kinh tế.

Giá dầu thế giới tăng cao sẽ tác động bất lợi tới thị trường trong nước. Do đó, Chính phủ, cơ quan điều hành cần có giải pháp ứng phó mang tính dài hạn và bền vững để tránh những cú sốc cho nền kinh tế, tránh lặp lại hiện tượng đứt gãy nguồn cung như năm 2022.

"Đơn cử như hiện nay nguồn dự trữ xăng, dầu quốc gia quá mỏng nên việc dự trữ xăng, dầu là tất yếu và cần thiết cho cả Nhà nước cùng DN. Nếu không có dự trữ đủ lớn thì sẽ không thể ứng phó với những biến động khôn lường về giá cả trong hoạt động kinh doanh” - PGS.TS Ngô Trí Long nhận định.

Quan tâm đến giải pháp ổn định lâu dài thị trường xăng, dầu, TS. Vũ Đình Ánh - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài Chính) cho rằng, điểm mấu chốt là phải tạo được một thị trường cạnh tranh đúng nghĩa.

Hiện nay gần như thiếu hoàn toàn việc cạnh tranh giữa các cây xăng bán lẻ hay còn gọi là hệ thống cuối cùng. Điều này khiến cho các đại lý bán lẻ kêu ca về câu chuyện chiết khấu do các đại lý, cửa hàng bán lẻ không thể chuyển từ việc nhập hàng từ DN đầu mối này sang DN đầu mối khác. Do vậy, cơ quan quản lý phải thiết lập lại thị trường xăng, dầu, kể cả khâu bán buôn, đảm bảo tính cạnh tranh của các DN đầu mối và đảm bảo tính linh hoạt của hệ thống bán lẻ xăng, dầu khi có biến động từ phía DN đầu mối.

Bên cạnh đó, phải có một cơ chế giá phù hợp và đồng bộ điều hành bình ổn giá thông qua các biện pháp như cắt giảm thuế, phí một cách chủ động và linh hoạt.

 

"Bộ Công Thương cần kiểm tra lại toàn bộ nguồn cung sản xuất, nhập khẩu cung ứng cho nền kinh tế; nắm chắc số liệu từ các DN đầu mối, tránh báo cáo số liệu một đằng, thực tế một nẻo, từ đó cân đối để đảm bảo nguồn cung. Chú ý nguồn cung từng địa bàn, từng địa phương khác nhau và phải có kho dữ liệu để đồng bộ quản lý, điều hành.

Mặt khác, Liên Bộ Công Thương - Tài chính cần xem xét lại cơ chế giá cũng như cách thức quản lý xăng, dầu để quản lý tốt hơn; đặc biệt là cách thức tổ chức thị trường xăng, dầu hiện nay, từ đó đảm bảo DN có lợi nhuận định mức phù hợp quy định của Nhà nước." - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần