Giá xăng dầu ngày 12/2: Ghi nhận tuần tăng mạnh

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trái ngược với tuần trước, cả dầu Brent và WTI đều giảm xấp xỉ 8%, đến tuần này, với hàng loạt dữ liệu, đặc biệt việc Nga cắt giảm sản lượng đã đẩy giá dầu bật tăng trở lại.

Tuần này, giá xăng dầu có mức tăng hằng tuần lớn nhất trong 4 tháng qua với dầu Brent tăng 8,1%, dầu WTI tăng 8,6%. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại 5 phiên giao dịch trong tuần, có tới 4 phiên tăng và duy nhất 1 phiên giảm. Giá dầu tuần này đã lấy lại toàn bộ những mất mát của tuần trước. Tuần trước, cả dầu Brent và WTI đều giảm xấp xỉ 8%. 

Ngay ở phiên giao dịch đầu tuần, giá dầu đã tăng gần 1 USD khi thị trường cân nhắc nhu cầu trở lại từ Trung Quốc.

Giá dầu đã tăng hơn 3% trong phiên giao dịch tiếp theo sau khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Mỹ xoa dịu những lo ngại của thị trường về việc tăng lãi suất. Ở phiên giao dịch thứ ba của tuần, giá dầu tiếp tục “bỏ túi” thêm hơn 1 USD sau nhận xét được cho là ít diều hâu hơn của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell.

Trả lời trong một phiên hỏi - đáp tại Câu lạc bộ Kinh tế Washington, ông Powell cho biết dữ liệu việc làm mạnh mẽ của Mỹ được công bố vào tuần trước, chỉ đơn giản khẳng định rằng Ngân hàng Trung ương Mỹ có một số cách để tiếp tục tăng lãi suất, và việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ là một quá trình mất nhiều thời gian.

Trận động đất tàn phá một số vùng của Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã không ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ sở hạ tầng dầu khí, trong khi dự trữ xăng, dầu của Mỹ tăng, đã đẩy giá dầu lao dốc nhẹ ở phiên giao dịch thứ tư của tuần, cắt đứt chuỗi hat-trick tăng.

Tuy nhiên, đến phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu đã tăng tới hơn 2%, sau khi Nga thực hiện lời đe dọa cắt giảm sản lượng để đáp trả các lệnh trừng phạt năng lượng của phương Tây. Bloomberg đưa tin, Moscow cho biết họ sẽ giảm sản lượng 500.000 thùng, tương đương khoảng 5% so với mức của tháng 1.

Việc cắt giảm là tác động lớn đầu tiên đối với sản xuất của Nga, sau khi hàng loạt lệnh trừng phạt đã được áp dụng đối với sản lượng của nước này. Như vậy, kết thúc phiên giao dịch thứ năm của tuần, giá dầu Brent dừng ở mức 86,39 USD/thùng, dầu WTI ở mức 79,72 USD/thùng.

Sự phục hồi của giá dầu trong tuần cũng được thúc đẩy bởi quyết định bán dầu cho các nước châu Á với giá cao hơn của Ả Rập Xê-út, trong bối cảnh nhu cầu mạnh hơn từ Trung Quốc cũng như sự gián đoạn nguồn cung ở Thổ Nhĩ Kỳ, Na Uy và Kazakhstan.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết việc cắt giảm sản lượng của nước này là tự nguyện và để phản ứng lại với các mức trần giá của phương Tây.

Nga công bố kế hoạch giảm sản lượng dầu vào tháng 3 xuống 500.000 thùng/ngày, tương đương khoảng 5% sản lượng. Việc cắt giảm sản lượng cho thấy rằng mức giá trần mà Liên minh châu Âu (EU), G7 và Australia áp dụng đối với dầu và nhiên liệu của Nga đã có một số tác động khiến giá dầu tăng.

Theo Daniel Ghali, chiến lược gia hàng hóa tại TD Securities, các nhà phân tích đã dự đoán một số tổn thất về sản lượng của Nga sau các thông báo trừng phạt gần đây. Bất chấp việc cắt giảm sản lượng của Nga, các đối tác của Nga trong OPEC+ báo hiệu rằng họ sẽ không tăng sản lượng để bù đắp cho việc cắt giảm này. Giá xăng dầu được dự báo tiếp tục tăng trong những ngày tới.

Đọc tiếp