Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 23/1 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3/2023 đứng ở mức 81,26 USD/thùng, giảm 0,38 USD trong phiên. Còn giá dầu Brent giao tháng 3/2023 đứng ở mức 87,17 USD/thùng, giảm 0,46 USD trong phiên.
Các chuyên gia cho rằng, giá dầu hôm nay giảm sau khi đạt mức cao nhất vào tuần trước, trong bối cảnh nguồn cung từ Nga vẫn chảy mạnh vào thị trường qua các kênh trung gian và tìm đến những nước áp trần giá với dầu thô của nước này.
Nguyên nhân các biện pháp trừng phạt không có tác dụng vì Nga đã dự liệu trước. Theo đó, Nga kinh doanh nhiên liệu và tính phí cho các dịch vụ liên quan, bao gồm vận tải và bảo hiểm. Do đó, thu nhập cuối cùng từ các giao dịch hóa ra lại cao hơn giới hạn (60 USD mỗi thùng) do Liên minh Châu Âu đưa ra.
Quyết định mở cửa trở lại nền kinh tế đã tạo tâm lý hưng phấn, kỳ vọng lớn đối với thị trường dầu thô, nhưng ở chiều hướng ngược lại, nó cũng tạo áp lực không nhỏ đối với lạm phát. Theo giới chuyên gia, điều này sẽ làm gia tăng đáng kể nguy cơ suy thoái khi chi phí sản xuất, giá cả hàng hóa… leo thang, nhu cầu tiêu dùng giảm sút.
Giá dầu hôm nay giảm còn do thị trường ghi nhận thông tin dự trữ dầu thô Mỹ tăng mạnh trong tuần trước.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô của nước này trong tuần trước nữa đang ở mức cao nhất kể từ tháng 6/2021.
Tuy nhiên, giá dầu ngày 23/1 cũng được hỗ trợ mạnh bởi dự báo tích cực về nhu cầu dầu trong năm 2023.
Trong báo cáo được công bố hôm 18/1, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu tăng 1,9 triệu thùng/ngày lên 101,7 triệu thùng/ngày trong năm 2023, và có tới 50% phần tăng trưởng đến từ Trung Quốc. Trước đó, OPEC cũng dự báo nhu cầu dầu toàn cầu tăng 2,22 triệu thùng/ngày, tương đương 2,2% cho năm 2023.
Bên cạnh đó, đồng USD yếu hơn cũng là nhân tố hỗ trợ giá dầu thô đi lên.