Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 5/1 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao tháng 2 “bỏ túi” 83 cent, tương đương 1,2%, lên mức 73,67 USD/thùng. Còn dầu Brent giao tháng 3 tăng 85 cent, tương đương 1,1%, lên mức 78,69 USD/thùng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 5/1, giá dầu tăng khoảng 1% sau khi “lao dốc không phanh” liên tục trong 2 ngày đầu tiên của năm mới.
Giá dầu đã giảm tới hơn 9% chỉ trong 2 phiên chào năm mới, ghi nhận mức giảm 2 ngày đầu năm lớn nhất trong 3 thập kỷ qua. Sự sụt giảm giá dầu là bởi lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu, đặc biệt sau các dấu hiệu kinh tế yếu kém trong ngắn hạn ở hai quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, giá dầu đã không thể thiết lập cú hat-trick giảm. Dữ liệu từ chính phủ Mỹ cho thấy tồn kho nhiên liệu ở nước này thấp hơn đã hỗ trợ giá dầu nhanh chóng quay đầu và tăng nhẹ.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ sản phẩm chưng cất của Mỹ giảm 1,4 triệu thùng, cao hơn so với kỳ vọng chỉ giảm 296.000 thùng, do ảnh hưởng của một cơn bão mùa đông hồi cuối tháng 12/2022. Ngoài ra, dự trữ xăng của Mỹ đã giảm 346.000 thùng trong tuần kết thúc vào ngày 30/12/2022, thấp hơn so với kỳ vọng của các nhà phân tích trong một cuộc thăm dò của Reuters là giảm 486.000 thùng; dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 1,7 triệu thùng, bằng gần 1 nửa so với báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ (API) trước đó 1 ngày.
Phản ánh xu hướng giảm giá trong ngắn hạn, các hợp đồng gần nhất của hai mặt hàng dầu chuẩn Brent và WTI được giao dịch với mức chiết khấu cho tháng tiếp theo, một cấu trúc được gọi là bù hoãn mua.
Trước đó ngày 4/1, các số liệu cho thấy hoạt động sản xuất của Mỹ tiếp tục sụt giảm trong tháng 12 đã gây áp lực lên giá. Một cuộc khảo sát từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy cơ hội việc làm giảm ít hơn dự kiến, làm dấy lên lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sử dụng thị trường lao động thắt chặt như một lý do để giữ lãi suất ở mức cao hơn trong khoảng thời gian dài hơn dự kiến.
Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc đã tăng hạn ngạch xuất khẩu các sản phẩm dầu tinh chế trong đợt đầu tiên cho năm 2023, báo hiệu kỳ vọng về nhu cầu nội địa kém.