Giá xăng dầu ngày 7/3 xác lập chu kỳ tăng mới

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Loạt dữ liệu tích cực từ nền kinh tế Mỹ, cộng với quyết định không tăng sản lượng của OPEC+ là những nhân tố hỗ trợ giá xăng dầu hôm nay, xác lập chu kỳ tăng mới.

Theo đó, ngày 7/3 ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5/2021 đứng ở mức 66,08 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 5/2021 đứng ở mức 69,56 USD/thùng, là mức cao nhất của giá dầu trong hơn 1 năm qua.
Khách hàng đổ xăng tại của hàng của PVOil.
Nhận định về diễn biến giá xăng dầu thời gian tới, giới chuyên gia cho rằng, đây chỉ là sự khởi đầu cho một chu kỳ tăng giá mới của dầu thô khi mà cả 2 phía cung – cầu đều xuất hiện lực hỗ trợ. Khi mà nguồn cung dầu đang được kiểm soát thì triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu ngày càng sáng sủa, giúp đẩy nhanh quá trình cải thiện nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu, trong đó có dầu thô.
Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu hôm nay được phổ biến như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 17.031 đồng/lít; giá xăng RON 95 không cao hơn 18.084 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 13.843 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 12.610 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 13.127 đồng/kg.
Tuần qua, giá dầu thế giới bước vào tuần giao dịch từ 1 - 5/3 với xu hướng tăng mạnh sau thông tin Hạ viện Mỹ thông qua gói hỗ trợ, kích thích kinh tế mới. Gói hỗ trợ được kỳ vọng sẽ tạo cú hích lớn đối với đà phục hồi của nền kinh tế số 1 thế giới, đặc biệt khi cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 có nhiều chuyển biến tích cực.
Cụ thể, đầu giờ sáng 1/3 (theo giờ Việt Nam), trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5/2021 đứng ở mức 62,20 USD/thùng, tăng 0,97 USD/thùng trong phiên, trong khi giá dầu Brent giao tháng 5/2021 đứng ở mức 65,36 USD/thùng, tăng 0,94 USD/thùng trong phiên.
Nhưng những lo ngại về nguồn cung dầu thô trên thị trường sẽ tăng mạnh với khả năng OPEC+ nâng sản lượng và các nhà khai thác trở lại thị trường khi giá dầu tăng cao đã khiến giá dầu thô liên tiếp giảm trong các phiên 2 và 3/3 giảm mạnh.
Ngoài ra, lo ngại về một cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Saudi Arabia như đã từng xảy ra có thể được tái diễn khi giá dầu thô trở lại mức trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Theo giới phân tích, trong khi Nga muốn quay trở lại mức sản xuất thông thường càng sớm càng tốt thì Saudi Arabia lại muốn tiếp tục duy trì việc cắt giảm sản lượng để hưởng lợi thêm.
Giá dầu còn chịu sức ép giảm giá bởi các dữ liệu vừa được công bố cho thấy tăng trưởng trong hoạt động chế tạo của Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đang chậm lại, xuống mức thấp nhất 9 tháng. Điều này làm dấy lên lo ngại tiêu thụ dầu thô của quốc gia này.
Trưởng bộ phận nghiên cứu tại Nissan Securities Hiroyuki Kikukawa cho rằng, số liệu tiêu cực từ nền kinh tế Trung Quốc đang tác động tiêu cực đến tâm lý các nhà đầu tư. Đồng thời chịu tác động tiêu cực bởi đà đi xuống của các thị trường chứng khoán châu Á, đặc biệt là thị trường chứng khoán Trung Quốc khi được cảnh báo nguy cơ vỡ bong bóng.
Kiểm tra thiết bị trên giàn khoan thuộc Petrovietnam.
Bên cạnh đó, dữ liệu tiêu cực từ nền kinh tế Đức cũng làm dấy lên lo ngại về khả năng phục hồi nhu cầu dầu thô thời kỳ hậu Covid-19. Cụ thể, doanh số bán lẻ Đức tháng 1/2021 đã giảm 4,5% so với tháng 12/2020, đây là mức giảm lớn hơn nhiều con số dự báo 0,3%.
Tính đến đầu giờ sáng 3/3 (theo giờ Việt Nam), trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5/2021 đứng ở mức 59,15 USD/thùng, giảm 0,42 USD/thùng trong phiên. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 5/2021 đứng ở mức 62,36 USD/thùng, giảm 0,34 USD/thùng trong phiên.
Tuy nhiên, khi những lo ngại trên dần được gạt bỏ, đặc biệt là việc OPEC+ quyết định giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng, từ Nga và Kazakhstan được tăng sản lượng để phục vụ nhu cầu nội địa, giá dầu thế giới đã quay đầu tăng vọt.
Phát biểu sau cuộc họp trực tuyến cấp Bộ trưởng của OPEC+ ngày 4/3, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman cho biết, phần lớn các nước thành viên OPEC+ sẽ tiếp tục duy trì cắt giảm sản lượng trong tháng 4/2021, trừ Nga được phép tăng 130.000 thùng/ngày và Kazakhstan được tăng 20.000 thùng/ngày để đáp ứng các nhu cầu nội địa.
“Nước này vẫn sẽ tiếp tục gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2021 và sẽ xem xét chấm dứt cam kết nay vào thời điểm phù hợp” - ông Abdulaziz bin Salman cũng cho hay.
Như vậy, OPEC+ sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng khoảng 7 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2021, thấp không đáng kể so với các mức cắt giảm 7,05 triệu thùng/ngày của tháng 3/2021 và 7,125 triệu thùng/ngày trong tháng 2/2021. Cộng với cam kết cắt giảm sản lượng tự nguyện của Saudi Arabia, có thể nói lo ngại nguồn cung dầu thô tăng mạnh trên thị trường đã được dẹp bỏ.
Do đó, giá dầu hôm nay còn được hỗ trợ mạnh bởi thông tin dự trữ nhiên liệu của Mỹ giảm, bất chấp lượng dầu thô dữ trữ tại các kho của nước này tăng kỷ lục. Theo các nhà phân tích của Citi thì Mỹ đã chuyển sang nhập khẩu xăng ròng 2,2 triệu thùng/ngày trong tuần trước.
Giá dầu còn ghi nhận lực hỗ trợ từ loạt dữ liệu tích cực từ nền kinh tế Mỹ được phát đi thời gian gần dây. Báo cáo vừa được Bộ Thương mại Mỹ phát đi cho thấy, GPD quý IV/2020 của nền kinh tế Mỹ đã tăng 4,1%, tăng nhẹ so với con số ước tính ban đầu là 4,0%.
“Trong lần công bố này, đã có sự tăng trưởng đối với đầu tư cố định cho lĩnh vực dân sinh, đầu tư, hàng tồn kho tư nhân, và chi tiêu của chính quyền địa phương và nhà nước… Tuy nhiên, vẫn có mặt giảm ở lĩnh vực chi tiêu và tiêu dùng cá nhân” - Báo cáo chỉ ra.
Ở diễn biến khác, Bộ Lao động Mỹ cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần cảu nước này đã giảm mạnh, giảm 110 ngàn xuống còn 730 ngàn.
Dữ liệu về số đơn đặt hàng đối với hàng hoá nhà máy lâu năm của Mỹ cũng tăng tới 3,4% trong tháng 1, cao hơn rất nhiều con số dự kiến 1,1%.
Trong diễn biến mới nhất, Bộ Lao động Mỹ cho biết nền kinh tế nước này đã tạo ra thêm 379.000 việc làm trong tháng 1/2021 và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 6,2%, cao hơn rất nhiều so với dự báo có thêm 210.000 việc làm và tỷ lệ thất nghiệp giữ ổn định ở mức 6,3% trong tháng 01/2021 từ Dow Jones.
Cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực khi các quốc gia đẩy mạnh triển khai các chương trình vắc-xin Covid-19, qua đó tiếp tục củng cố kỳ vọng phục hồi kinh tế, và đây cũng là nhân tố hỗ trợ giá dầu tăng.