Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá xăng dầu ngày 8/12: Dầu thô leo dốc nhờ nhu cầu tiêu thụ cao

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đồng USD suy yếu, nhu cầu tiêu thụ vào mùa Đông tăng cao đẩy giá dầu hôm nay quay đầu đi lên.

Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 8/12 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2023 đứng ở mức 72,58 USD/thùng, tăng 0,57 USD/thùng trong phiên. Còn giá dầu Brent giao tháng 2/2023 đứng ở mức 77,69 USD/thùng, tăng 0,52 USD/thùng trong phiên.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các chuyên gia cho rằng, do đồng USD mất giá và thị trường đặt kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ toàn cầu tăng mạnh vào mùa Đông, đẩy giá dầu hôm nay tăng.

Kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu từ Trung Quốc phục hồi mạnh cũng là nhân tố hỗ trợ giá dầu đi lên. Ở diễn biến mới nhất, sau khi nới lỏng một số biện pháp phòng chống dịch, Trung Quốc được cho sẽ sớm mở cửa trở lại nền kinh tế.

Thống kê trong tháng 11/2022 cho thấy, lượng nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đã tăng 12% so với cùng kỳ 2021, đạt mức cao nhất 10 tháng.

Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu ngày 8/12 là khá hạn chế so với mức giảm trong 3 phiên gần đây khiến giá dầu thô trượt xuống mức thấp nhất trong năm.

Trong phiên 7/12, giá dầu thô tiếp đà giảm mạnh khi thị trường ghi nhận thông tin về dự trữ các sản phẩm hoá dầu của Mỹ tăng đột biến, làm gia tăng mạnh mẽ về triển vọng tiêu thụ của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) trong tuần tính đến ngày 2/12 cho thấy, tồn kho các sản phẩm chưng cất của nước này đã tăng 6,2 triệu thùng, vượt xa con số dự báo 2,2 triệu thùng; tồn kho tăng 5,3 triệu thùng so với kỳ vọng tăng 2,7 triệu thùng; dữ trữ dầu thô giảm 5,2 triệu thùng.

Viện Dầu khí Mỹ (API) trước đã đã đưa dự báo dự trữ dầu thô của nước này giảm khoảng 6,4 triệu thùng.

Giá dầu có xu hướng giảm mạnh trong những phiên giao dịch gần đây còn do lo ngại tác động của nhà đầu tư về việc áp trần giá dầu thô Nga của EU và G7 hạ nhiệt khi các dữ liệu phân tích cho thấy động thái này sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến nguồn cung dầu.

Ở diễn biến khác, Ả Rập Xê-út đã quyết định giảm giá dầu thô sẽ bán cho châu Á vào tháng 1/2023 xuống mức thấp nhất trong 10 tháng, trong bối cảnh có dấu hiệu nhu cầu mờ nhạt tại thị trường nhập khẩu dầu quan trọng nhất thế giới.

Động thái này báo hiệu sự bất an về triển vọng nhu cầu dầu ở khu vực nhập khẩu chính, châu Á, nơi các biện pháp phòng dịch Covid-19 ở Trung Quốc đang đè nặng lên tâm lý thị trường.

Bên cạnh đó, cấu trúc thị trường gần đây của các tiêu chuẩn chính đã cho thấy dấu hiệu nhu cầu yếu và nguồn cung đủ, bất chấp lệnh cấm vận của EU đối với việc nhập khẩu dầu thô của Nga, có hiệu lực từ ngày 5/12.