Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 9/6 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2022 đứng ở mức 120,07 USD/thùng, tăng 0,29 USD/thùng trong phiên. Nếu so với cùng thời điểm ngày 8/6, giá dầu WTI giao tháng 8/2022 tăng 3,01 USD/thùng. Còn giá dầu Brent giao tháng 8/2022 đứng ở mức 123,72 USD/thùng, tăng 0,14 USD/thùng trong phiên và tăng 3,01 USD so với cùng thời điểm ngày 8/6.
Giới phân tích cho rằng, lo ngại nguồn cung dầu từ Na Uy có nguy cơ bị gián đoạn do hoạt động đình công đã đẩy giá dầu ngày 9/6 tăng vọt. Dẫn số liệu của liên đoàn lao động Na Uy, Reuters cho biết có khoảng 845/7.500 công nhân khai thác dầu ngoài khơi Na Uy đe doạ đình công.
Theo các công đoàn Industri Energi, Lederne và Safe, cuộc đình công của 845 thành viên sẽ có tác động hạn chế đối với sản lượng dầu của Na Uy.
Na Uy đã khai thác gần 1,8 triệu thùng/ngày trong tháng 2/2022, vận chuyển dầu thô đến Anh, Trung Quốc, Thụy Điển, Hà Lan và Đức. Na Uy cũng là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn thứ tư thế giới.
Giá dầu hôm nay tăng mạnh còn do dự báo nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc phục hồi đáng kể, trong khi nỗ lực tăng sản lượng của OPEC+ chưa mang lại kết quả nhanh chóng. Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Suhail Al Mazrouei cho rằng, với 2 yếu tố này, giá dầu có thể tăng cao hơn.
Các dữ liệu mới nhất cho thấy, sản lượng khai thác của OPEC+ hiện đang thiếu hụt 2,6 triệu thùng/ngày so với mục tiêu.
Nguồn cung dầu toàn cầu cũng được dự báo khó có đột phá để khoả lấp sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga, cũng như đáp ứng các nhu cầu tiêu thụ gia tăng, do đầu tư cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí đã giảm mạnh tới 23% trong năm 2021, xuống còn 341 tỷ USD.