Giá xăng dầu 2022 được dự báo tăng
Ngày 11/2, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh theo hướng tăng. Theo đó, giá xăng RON95 tăng hơn 900 đồng/lít, vượt mốc 25.000 đồng/lít. Như vậy, giá xăng đã tăng lần thứ 3 liên tiếp trong năm 2022.
Theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới giai đoạn vừa qua có nhiều biến động tăng giá, nguồn cung xăng dầu khan hiếm do ảnh hưởng của các yếu tố chính như: căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine, bất ổn chính trị tại các nước như Kazakhstan, Libya, Iran… tiếp tục phức tạp làm ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu cho thị trường.
Phiên giao dịch sáng nay, 14/2 (giờ Việt Nam), giá dầu đồng loạt tăng mạnh, nối dài đà tăng tuần thứ 8 liên tiếp. Theo đó, dầu WTI tăng 1,23 USD/thùng tương ứng 1,32% lên mức 94,33 USD/thùng; Dầu Brent tăng 0,97 USD/thùng tương ứng 1,03% lên mức 95,41 USD/thùng khi căng thẳng địa chính trị giữa Nga – NATO và căng thẳng giữa Mỹ - Iran gia tăng.
Trước đó, giá dầu ở Anh tăng hơn 60% trong vòng 12 tháng qua, từ 60 USD/thùng hồi tháng 2/2021 lên 98 USD/thùng vào tuần trước. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2014 giá dầu thô thế giới tiến sát 100 USD một thùng, đe dọa triển vọng tăng trưởng và kéo cao lạm phát toàn cầu.
Giá dầu thô đã tăng hơn 50% trong năm 2021. Và chỉ riêng trong tháng 1 đầu năm nay, đã tăng tiếp từ hơn 15% và gần 18% với dầu Brent và dầu thô WTI. Đáng chú ý, từ đầu năm tới nay, giá dầu liên tục tăng và được dự báo xu thế tăng.
“Giá dầu thô còn tiếp tục tăng trong những năm tới do nhu cầu tăng mạnh khi kinh tế thế giới phục hồi, trong khi nguồn cung hạn chế và thị trường dầu thô trải qua thời kỳ thiếu hụt nguồn cung dài nhất trong nhiều thập kỷ qua”- ông Đoàn Tiến Quyết, chuyên gia cao cấp của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) nói.
Nhiều tổ chức uy tín như Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA), Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) chỉ ra rằng giá dầu có thể tăng vượt ngưỡng 100 USD/thùng. Đầu tháng 1/2022, JPMorgan đã cảnh báo rằng giá dầu Brent có thể tăng lên 125 USD/thùng do công suất dự phòng của OPEC giảm xuống còn khoảng 4% tổng công suất vào quý IV năm nay.
Áp lực với sản xuất, tiêu dùng, đe doạ tăng trưởng
Xăng dầu tăng mạnh tạo áp lực lên sản xuất và cuộc sống người dân, tác động tới lạm phát, tăng trưởng toàn cầu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây cũng nâng dự báo lạm phát toàn cầu lên 3,9% tại các nước phát triển năm nay. Con số này cao hơn so với 2,3% và 5,9% tại các nước mới nổi và đang phát triển. "Khi lạm phát hiện ở mức cao nhất nhiều thập kỷ, giá năng lượng tăng sẽ là đòn giáng lên sự phục hồi của kinh tế toàn cầu", các nhà kinh tế học tại HSBC nhận định trong báo cáo đầu tháng này.
"Giá tăng nhanh, liên tục có thể đẩy một số quốc gia vào rủi ro suy thoái, đặc biệt nếu chính sách tài khóa bị thắt chặt rõ rệt", Priyanka Kishore tại Oxford Economics nhận định.
Xăng dầu là sản phẩm đầu vào quan trọng của nền kinh tế, không có giải pháp bình ổn sẽ tác động bất ổn đến toàn bộ nền kinh tế. Các cơ quan quản lý cần nghiên cứu đưa ra các biện pháp hợp lý khi các DN đang cần được hỗ trợ để phục hồi sản xuất. Nên triển khai các biện pháp có thể thực hiện ngay để điều hành giá xăng dầu nhằm giảm bớt khó khăn cho DN, người dân; hoặc triển khai các gói hỗ trợ tài chính để DN bù đắp chi phí nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao cho DN. (PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính)
Tại Việt Nam, theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu tăng cao sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và nền kinh tế, bởi Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%.
“Giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước. Trong hoạt động sản xuất hàng hoá và dịch vụ, tuỳ theo quy trình sản xuất của mỗi ngành, có thể thấy hầu hết các ngành dù nhiều hay ít đều sử dụng xăng dầu. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy, chi phí xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất”, ông Nguyễn Bích Lâm cho hay.
Đặc biệt, giá xăng dầu tăng có tác động rất mạnh tới các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như: đánh bắt thuỷ sản, vận tải hàng hoá và hành khách đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không. Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hoá trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.
“Đối với nền kinh tế nước ta, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5 % - mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng còn trực tiếp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Giá xăng dầu tăng 10% làm cho chỉ số CPI tăng 0,36 điểm phần trăm. Ngoài ra, chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế”, TS Nguyễn Bích Lâm phân tích.
Cùng quan điểm, PSG. TS. Ngô Trí Long, cho rằng, giá vận chuyển, giá nguyên liệu đầu vào như: thép, xi măng và nhiều mặt hàng khác cùng tăng sẽ là lực đẩy với giá cả nhiều loại hàng hóa và dịch vụ. Đó là điều đáng lo với sức cạnh tranh của hàng hóa ở cả trong nước và xuất khẩu, từ đó ảnh hưởng đến sức hồi phục của DN nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. “Liên Bộ Công Thương - Tài chính cần tìm cách kiềm giữ giá xăng dầu để giúp DN gắng gượng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, giữ thị phần và thị trường hàng hóa trong cuộc cạnh tranh không dễ dàng”, ông Ngô Trí Long nói.
Giảm thuế, phí, chủ động nguồn cung
PSG. TS. Ngô Trí Long cho rằng, để kìm giá xăng dầu cần có các giải pháp: Xem xét giãn, hoãn, giảm một hoặc một số loại thuế ở mặt hàng này như VAT, thuế bảo vệ môi trường. Hiện trong cơ cấu giá thành sản phẩm xăng dầu, các loại thuế, phí chiếm khoảng 42% đối với mặt hàng xăng và khoảng 30% đối với mặt hàng dầu. Trong đó, thuế bảo vệ môi trường đang được tính một cách cơ học theo giá trị tuyệt đối, đối với xăng sinh học là 3.800 đồng/lít. Đó là điều bất hợp lý và người tiêu dùng lúc này cần được chia sẻ nhất. Đồng thời, cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để ổn định thị trường xăng dầu.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho hay, đối với kinh tế nước ta, xăng dầu là một trong những mặt hàng chiến lược do Nhà nước quản lý giá, giá bán được quản lý trên cơ sở bảo đảm lợi ích giữa nhà nước, DN và người dân.
Chính phủ giao Bộ Công Thương nắm bắt giá xăng dầu trên thị trường thế giới, nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, phối hợp với Bộ Tài chính phân tích những yếu tố về giá và thuế để điều chỉnh các loại thuế có liên quan đến xăng dầu; đồng thời, hai Bộ cùng các DN liên quan nhận định, đánh giá và phối hợp nhịp nhàng để sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Trong trường hợp giá xăng dầu biến động bất thường, ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế xã hội, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định thời gian điều chỉnh. Còn nếu giá cơ sở tăng trên 10%, Thủ tướng sẽ quyết định biện pháp điều hành dựa trên báo cáo của Bộ Công Thương. Thứ trưởng Nguyễn Thắng Hải cho hay, hiện nay, nguồn cung xăng dầu trong nước đáp ứng khoảng 75% nhu cầu thị trường, còn lại 25% là nhập khẩu.
Ngoài ra, công thức tính giá cơ sở mới cũng sẽ dựa trên giá và tỷ trọng của cả nguồn sản xuất trong nước (từ các nhà máy lọc hóa dầu) và nguồn nhập khẩu, chứ không còn chỉ phụ thuộc vào giá thế giới...
Cần phải nhìn vào tổng thể cách điều tiết giá xăng là nguồn đầu vào của cả nền kinh tế. Nếu cứ phụ thuộc vào thị trường thế giới, nền kinh tế của chúng ta luôn ẩn chứa yếu tố bất ổn. Trong khi các nước luôn dự trữ trong nhiều tháng, Việt Nam chỉ có nguồn dự trữ xăng dầu khoảng 20 ngày. Ngoài ra, hiện tại, chúng ta có 2 nhà máy lọc dầu vẫn chưa tận dụng hết, đây là nguồn cung rất lớn nếu điều hành tốt sẽ không bị phụ thuộc vào xăng dầu nhập khẩu (Chuyên gia Vũ Vinh Phú)
Taị buổi làm việc về tình hình sản xuất, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước ngày 8/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh, Bộ Công Thương phải đảm bảo cân đối giữa sản xuất và nhập khẩu xăng dầu, "có kế hoạch chi tiết, chính xác hơn, đảm bảo chủ động, kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa". Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN rà soát kỹ cơ chế, chính sách hiện hành, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp, bởi đây là mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, lưu thông, phân phối hàng hóa và đời sống Nhân dân nên bắt buộc phải quản lý chặt chẽ, khoa học.